Chính trị

Hà Nội sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Thực hiện có bài bản, đúng lộ trình

Hiền Thu 07/04/2024 06:24

Các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành nhiều nội dung quan trọng để triển khai theo đúng nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Nhìn chung, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố diễn ra bài bản, đúng lộ trình.

dinh.jpg
Người dân xã Kim Thư (huyện Thanh Oai) xem niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường giai đoạn 2023-2025. Ảnh: Anh Ngọc

Tỷ lệ cử tri đồng thuận cao

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội gửi Bộ Nội vụ, dự kiến việc này tác động đến 156 xã, phường, thị trấn. Sau sắp xếp, thành phố giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.

Sở Nội vụ đã có công văn về việc triển khai lập và niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, 20 đơn vị lấy ý kiến gồm các quận, huyện, thị xã: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Ba Vì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thạch Thất, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai, Sơn Tây.

Theo lộ trình, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện đủ thời gian niêm yết danh sách cử tri (tối thiểu 30 ngày). Từ ngày 27-3-2024, các quận, huyện, thị xã bắt đầu tổ chức hội nghị quán triệt, hướng dẫn lấy ý kiến cử tri theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, giai đoạn 2023-2025. Hiện, các đơn vị đã hoàn tất việc lấy ý kiến cử tri.

Tại quận Đống Đa, hội nghị hướng dẫn lấy ý kiến cử tri theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính được tổ chức với sự tham dự của hơn 300 đại biểu. Trưởng phòng Nội vụ quận Đống Đa Lê Ngọc Hân cho biết, 143 tổ công tác đã được thành lập để lấy ý kiến cử tri 10 phường. Kết quả tổng hợp cho thấy, có 99,99% cử tri tham gia bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đồng ý việc sắp xếp và đồng ý về tên gọi đơn vị hành chính mới đều đạt từ 99% trở lên, riêng phường Khương Thượng đạt 100%.

Từ ngày 28-3 đến 1-4-2024, quận Ba Đình đã tổ chức lấy ý kiến cử tri. Nội dung phiếu lấy ý kiến cử tri theo phương án đã được UBND thành phố phê duyệt gồm: “Sáp nhập phường Nguyễn Trung Trực và Trúc Bạch”, “Tên đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp là phường Trúc Bạch”. Kết quả, 100% cử tri tham gia bỏ phiếu (phường Nguyễn Trung Trực có 3.851 cử tri, phường Trúc Bạch có 4.827 cử tri). Về việc sáp nhập phường Nguyễn Trung Trực và phường Trúc Bạch, tỷ lệ cử tri phường Nguyễn Trung Trực đồng ý là 98,13%; phường Trúc Bạch là 99,92%. Về tên gọi đơn vị hành chính khi sắp xếp là phường Trúc Bạch, tỷ lệ cử tri phường Nguyễn Trung Trực đồng ý là 97,56%, phường Trúc Bạch là 100%.

Tại quận Hà Đông, tổng số cử tri lấy ý kiến trên địa bàn 3 phường Yết Kiêu, Quang Trung, Nguyễn Trãi là 25.149 người. Kết quả, với 100% cử tri tham gia, có 98,55% đồng ý phương án sắp xếp đơn vị hành chính mới; 98,06% đồng ý tên gọi đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp là phường Quang Trung. Còn tại huyện Gia Lâm, với 12 đơn vị lấy ý kiến về việc sáp nhập, tỷ lệ cử tri đồng tình việc sắp xếp đơn vị hành chính là 99,06%, đồng ý với việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới là 98,87%.

tuyen-truyen-lay-y-kien-cu.jpg
Tuyên truyền, lấy ý kiến của người dân về chủ trương hợp nhất xã Đồng Phú và xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ).

Bảo đảm hài hòa, ổn định

Nhận thức rõ việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là việc lớn, khó và nhạy cảm, nhất là việc kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị sau sắp xếp, nhiều đơn vị đã triển khai các giải pháp sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo quản lý, đáp ứng công việc cho cán bộ, công chức một cách ổn định.

Theo Trưởng phòng Nội vụ quận Ba Đình Nguyễn Mạnh Cường, từ năm 2023, quận đã tạm dừng thi tuyển công chức cấp phường, để dành bố trí đội ngũ cán bộ, công chức sau sáp nhập. Hiện biên chế cấp phường của quận còn thiếu khoảng 30 người, quận sẽ bố trí 7 công chức dôi dư sau sắp xếp sang các phường còn thiếu. Với đội ngũ cán bộ là trưởng các đoàn thể, quận đề xuất thành phố xét chuyển thành công chức nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện và đáp ứng đề án vị trí việc làm.

Tại Gia Lâm, đối với các công trình, tài sản dôi dư khác thuộc quản lý của địa phương, huyện sẽ xây dựng phương án chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, bảo đảm thiết thực. Huyện cũng sẽ lập kế hoạch, dự toán, cấp bổ sung kinh phí phục vụ việc cải tạo, chuyển đổi công năng, nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng mục đích sử dụng mới.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh thông tin, sau khi cấp xã hoàn thành các phần việc theo kế hoạch, HĐND các quận, huyện, thị xã sẽ xem xét tổ chức kỳ họp, ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành trước ngày 10-4.

Sau khi các quận, huyện, thị xã hoàn chỉnh hồ sơ gửi về thành phố, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp xây dựng hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính, báo cáo UBND thành phố trình xin ý kiến Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy. Sau khi được sự đồng ý về chủ trương của cấp có thẩm quyền, UBND thành phố trình HĐND thành phố tổ chức kỳ họp, ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15-5. Tiếp đó, thành phố sẽ hoàn chỉnh hồ sơ gửi về Bộ Nội vụ và Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 để hoàn thành trước ngày 31-5-2024.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn:
Cách làm công khai, dân chủ

638479043297824096-nguyendi.jpg

Việc lấy ý kiến cử tri đã được huyện Phúc Thọ thực hiện bảo đảm phù hợp với đặc điểm dân cư, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, dân chủ. Tiến độ thực hiện đáp ứng yêu cầu, kế hoạch chung của thành phố Hà Nội và tuân thủ đúng Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như các nghị định có liên quan của Chính phủ. Huyện đã tổ chức 22 hội nghị quán triệt chủ trương trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, đảng viên các xã, thị trấn liên quan đến Đề án sắp xếp đơn vị hành chính 8 xã. Huyện cũng tổ chức tuyên truyền 1.120 lượt trên các phương tiện truyền thanh về các nội dung của Đề án để nhân dân biết.

Nhằm chuẩn bị cho công tác lấy ý kiến của cử tri, huyện đã tổ chức hội nghị hướng dẫn cho 260 đại biểu là Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc sắp xếp đơn vị hành chính của huyện, lãnh đạo, công chức văn phòng - thống kê của UBND các xã, thị trấn… Nhờ cách làm bài bản, gần 100% cử tri của huyện khi được lấy ý kiến đã bày tỏ đồng tình với đề án sáp nhập 8 xã thành 4 xã do huyện xây dựng.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến:
Tạo thuận lợi cho người dân

638479043300320352-tanamchi.jpg

Với việc quận Ba Đình đang tiến hành các bước sáp nhập phường Trúc Bạch và phường Nguyễn Trung Trực, trong giai đoạn đầu sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có sự xáo trộn, khó khăn nhất định. Trong đó, người dân và doanh nghiệp sẽ mất thêm thời gian chuyển đổi một số giấy tờ có liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới. Nhận thức được vấn đề này, UBND quận phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch trong việc thay đổi giấy tờ có liên quan, như: Căn cước công dân, đăng ký kinh doanh...; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí.

Quận cũng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin để người dân nắm và hiểu các quy định pháp luật liên quan. Trong đó, đối với các loại giấy tờ còn giá trị sử dụng tiếp tục được sử dụng; trong trường hợp người dân muốn cấp mới thì sẽ đáp ứng nhu cầu. Tinh thần là tránh để người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm ồ ạt sẽ gây áp lực, quá tải lên công tác hành chính.

Chủ tịch UBND phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) Hoàng Anh Tuấn:
Tránh tâm tư cho đội ngũ cán bộ, công chức

Thực tế trước đây tại quận Hai Bà Trưng đã có các phường: Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm được sắp xếp lại và đến nay cho thấy các phường mới đều hoạt động ổn định, phát triển, nên cán bộ và người dân đã hiểu được ý nghĩa, mục đích của việc sắp xếp đơn vị hành chính. Trong công việc sắp xếp hiện nay, chúng tôi cũng học tập được các phường đi trước; đồng thời, phường Cầu Dền đã có kinh nghiệm trong công tác sắp xếp lại hệ thống chính trị ở cơ sở theo Đề án 06 của thành phố, dù lúc đầu có e ngại do khối lượng công việc lớn, nhưng sau khi hoàn thành nhận thấy không có gì là không làm được nếu có quyết tâm.

Cán bộ, công chức đã được tuyên truyền sẽ không có gì xáo trộn trong công việc, ai ở vị trí nào vẫn tiếp tục vị trí đó, quan trọng là phục vụ tốt cho người dân. Chúng tôi cũng đã quán triệt trong cơ quan về việc toàn bộ cán bộ, công chức sẽ được quận Hai Bà Trưng tính toán phương án sắp xếp vị trí việc làm hợp lý, tránh tâm tư lo lắng.

Mai Hữu ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Thực hiện có bài bản, đúng lộ trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.