(HNMO) – Sáng 26/10, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo chủ trì phiên họp tập thể UBND tháng 10/2012 xem xét và cho ý kiến về dự thảo Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin (CNTT) TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Dự thảo Quy hoạch trên do Sở Thông tin và Truyền thông soạn thảo; Dự kiến sẽ trình Thường vụ Thành ủy ngày 7-11-2012 và được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP cuối năm nay.
Đến năm 2020, Hà Nội hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử
Phát biểu tại cuộc họp, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nêu rõ: Hiện trạng phát triển CNTT của Hà Nội được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Trước hết là hệ thống chưa đồng bộ, mức vi phạm bản quyền cao (khoảng 90%), độ bảo vệ an toàn thấp (70% đơn vị có cơ chế bảo vệ đơn giản). Phạm vi ứng dụng mặc dù rộng nhưng mức độ ứng dụng chưa cao, cấp độ ứng dụng CNTT thấp, hệ thống ứng dụng còn rời rạc. Trong khi đó, Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển CNTT so với cả nước.
Hiện nay công nghiệp CNTT TP có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 20%/năm, chiếm khoảng 30% doanh số CNTT của cả nước. Trên địa bàn TP hiện có khoảng 4.500 – 5000 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Hà Nội có 4 khu CNTT tập trung là: Trung tâm giao dịch CNTT-TT 185 Giảng Võ Hà Nội, Khu công viên công nghiệp phần mềm Hà Nội 43,45 ha do Hanel đầu tư, Khu công viên CNTT Hà Nội 38 ha do Him Lam đầu tư, Khu phần mềm thuộc khu công nghệ cao Hòa lạc 76 ha. TP hiện cũng có 43 dự án CNTT đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung của Hà Nội, tổng số vốn 1.652,65 triệu USD.
TP có lợi thế lớn về tiềm năng chất xám với gần 80% số GS, PGS; trên 80% chuyên gia đầu ngành và trên 1/3 số trường đại học, viện nghiên cứu so với cả nước. Ngoài ra, với vị trí Thủ đô, Hà Nội có lợi thế về nhiều mặt khác, nhất là thị trường CNTT lớn, hạ tầng ngày càng được hiện đại hóa, nguồn lao động dồi dào, quỹ đất rộng và dịch vụ phân phối thuận lợi.
Quy hoạch phát triển CNTT nhằm giải quyết các vấn đề bất cập liên quan, đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu về ứng dụng và phát triển CNTT trong cả nước với 3 hướng chính: Đứng đầu trong xây dựng chính quyền điện tử; đứng đầu trong ứng dụng phát triển CNTT phục vụ hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đứng đầu trong phát triển ngành công nghiệp CNTT.
Trong đó, để đứng đầu về chính quyền điện tử, TP sẽ phấn đấu đến năm 2015 cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản đạt mức 3, dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT về hạ tầng ứng dụng, nhân lực và môi trường chính sách. Đến năm 2020 cơ bản hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử thống nhất trong toàn bộ máy chính quyền, 50% dịch vụ công được cung cấp đạt mức 3 và 4.
Để đứng đầu về ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ CNH-HĐH, Hà Nội sẽ xây dựng thành phố thông minh với việc “nhúng” các ứng dụng CNTT vào hoạt động các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, nông nghiệp-nông thôn. Tiếp theo đó, để đứng đầu về phát triển ngành công nghiệp CNTT, TP đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2015 đạt doanh thu khoảng 5 tỷ USD (so với 18 tỷ USD của cả nước), tốc độ tăng trưởng khoảng 25%, nhân lực chiếm ¼ so với cả nước. Đến năm 2020, doanh thu tăng lên 10 tỷ USD so với 25-27 tỷ USD doanh thu của cả nước, tăng trưởng xấp xỉ 25%, nhân lực chiếm 30% của cả nước với khoảng 300.000 người.
Để thực hiện quy hoạch, TP dự tính phải huy động từ các nguồn đầu tư khoảng vốn lên tới 59.558,20 tỷ đồng chia làm 3 giai đoạn: Từ năm 2012-2015 cần 9.926,95 tỷ đồng, từ năm 2016-2020 cần 17.1283,38 tỷ đồng, từ 2021-2030 cần 32.347,88 tỷ đồng. Ngân sách TP dự kiến đảm nhận được khoảng 8.032,64 tỷ đồng, còn lại 51.505,09 sẽ được kêu gọi từ các nguồn xã hội hóa.
Tập trung phát triển CNTT gắn với quá trình CNH – HĐH Thủ đô
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, dự thảo quy hoạch đã phân tích rất kỹ thực trạng CNTT trên địa bàn TP. Hạ tầng CNTT của Hà Nội hiện đứng thứ 3 cả nước, do năm ngoái đã đầu tư nhiều. Tuy nhiên, cấp phường xã chưa được trang bị đầy đủ nên chưa thực hiện được giao lưu trực tuyến. Cấp độ công nghệ, ứng dụng còn ở dạng thấp… Hà Nội phải phấn đấu xây dựng chính quyền điện tử đến năm 2015 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vào năm 2020. Ứng dụng rộng rãi, nâng cao chất lượng; coi đây là ngành kinh tế trọng điểm.
Về định hướng phát triển CNTT, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất: Hà Nội nên chọn thị trường trong nước bởi hiện nay các DN trong nước chưa cung cấp được nhiều sản phẩm, chủ yếu nhập khẩu. Ở thị trường trong nước có thể tập trung phát triển nguồn nhân lực, phần mềm. Bên cạnh đó cần xác định giải pháp về vốn, nguồn nhân lực, cơ chế. Trong hơn 59.000 tỷ đồng vốn;vốn ngân sách nhà nước hơn 8.000 tỷ đồng cần tập trung chủ yếu xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung cho các cơ quan nhà nước. Trong nguồn vốn xã hội hóa (dự kiến hơn 51.000 tỷ đồng) sẽ tập trung kêu gọi các DN tự đầu tư theo quy hoạch và thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầu tư.
Phát biểu kết luận tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá các ý kiến đóng góp tại cuộc họp cơ bản thống nhất với dự thảo quy hoạch. Tuy nhiên, Chủ tịch lưu ý việc chỉ số ICT Index 2011 của Hà Nội đang bị xếp hạng ở các mức rất khác nhau. Ví như hạ tầng kỹ thuật CNTT đứng thứ 3; nhưng việc ứng dụng nhân lực chỉ xếp hạng trung bình (thứ 32). Về ứng dụng CNTT- TT đứng thứ 27. Về sản xuất kinh doanh CNTT, Hà Nội mới xếp thứ 7 mặc dù đây là một thị trường lớn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng lưu ý trường hợp Công ty Hanel của Hà Nội đã bán cả đất dành cho nghiên cứu phát triển phần mềm để kinh doanh bất động sản. Công ty này đã co cụm về trụ sở ở phố Chùa Bộc để nghiên cứu… như vậy sẽ rất khó phát triển! Hay như vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội tăng khá nhưng sản phẩm xuất khẩu lại là của Canon, điện thoại Samsung do các cơ quan nước ngoài đầu tư vào, không phải là thực chất của Hà Nội.
Nhìn chung, Chủ tịch đánh giá, ứng dụng phát triển CNTT hiện chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Hà Nội. Việc phát triển quy hoạch không chỉ nằm trong cấp chính quyền mà cần tạo chuyển biển nhận thức trong cả xã hội. Theo đó, phải ưu tiên phát triển chiến lược CNTT, gắn với quá trình CNH- HĐH từ nay đến năm 2020. Phát triển CNTT của Hà Nội phải phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo sự đột phá, đi tắt, đón đầu. Mục tiêu Hà Nội phải đứng đầu về xây dựng chính quyền điện tử, phát triển công nghiệp CNTT, ứng dụng CNTT vào đời sống xã hội (như ứng dụng CNTT vào xử lý nước thải, chiếu sáng, giao thông, quản lý tòa nhà… theo hướng thông minh).
Chủ tịch yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo cụ thể cho tất cả các ngành mục tiêu phấn đấu; Danh mục các nhóm dự án phải rà soát, để phân kỳ đầu tư, phân bổ nguồn vốn. Trong các giải pháp phải đặc biệt quan tâm về nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư và ứng dụng CNTT vào sản xuất và đời sống.
Sau cuộc họp này, Sở Thông tin và Truyền thông và Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc sẽ tiếp thu các ý kiến để điều chỉnh lại bản dự thảo Quy hoạch phát triển CNTT TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.