(HNMO) - Chiều 24-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban báo chí, thông tin về kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và đồng chí Ngô Văn Quý, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì hội nghị.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị. |
Thông tin khái quát về kết quả phát triển kinh tế - xã hội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn nhấn mạnh, không gian sản xuất kinh doanh được mở rộng, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm, nhiều chỉ tiêu tăng gấp 2-3 lần, tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước.
Giá trị văn hoá truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hoá Tràng An, văn hoá xứ Đoài ngày càng được duy trì và phát huy, lan toả.
An sinh xã hội được bảo đảm: 8.589 ngôi nhà cho người có công với cách mạng được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa; tiếp tục hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 4.046 hộ nghèo năm 2018.
Ngay sau hợp nhất, thành phố đã quan tâm thực hiện cấp điện cho các địa bàn chưa được dùng điện lưới; sửa chữa, cải tạo 5.523 phòng học nhờ, học tạm, phòng học xuống cấp. Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư chuẩn hoá, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến nay đạt 62%.
Không gian đô thị phát triển theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tạo nên diện mạo mới sau 10 năm phát triển. Ngay sau hợp nhất, thành phố đã tổ chức rà soát 642 đồ án, dự án trên địa bàn mở rộng, kiến nghị cho phép tiếp tục triển khai 329 đồ án, dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch Hà Nội mở rộng... Đến nay đã phê duyệt 57/68 đồ án quy hoạch chung và phân khu; 136 đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường, các dự án hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị.
"Nhiều dự án đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành, tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm phát triển. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín. 10 năm qua Hà Nội đã hoàn thành 223km đường xây mới" - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Ngoài ra, vệ sinh môi trường được thực hiện với cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả như chương trình trồng 1 triệu cây xanh, cấp nước sạch nông thôn, chiếu sáng đô thị - nông thôn, cải tạo hồ nước; hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đạt 76,2% - dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Tuy nhiên, Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, trong đó, việc giãn dân, giảm mật độ dân số nội đô còn chậm; tiến độ triển khai các khu đô thị vệ tinh chưa đáp ứng yêu cầu, hay hạ tầng giữa khu vực nội đô với khu vực ngoại thành chưa đồng bộ...
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, sự phát triển vượt bậc của Hà Nội trong 10 năm qua đã cho thấy tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đồng thời khẳng định mạnh mẽ những nỗ lực vượt bậc, minh chứng sinh động và thuyết phục cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố trong quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Qua các hội nghị đóng góp ý kiến, tổng kết, Thành ủy Hà Nội đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, đó là tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, vì công việc chung; là sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đối với công việc; là sự chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của trung ương, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành bạn; đặc biệt là bài học phải tạo được mối quan hệ khăng khí, gắn bó máu thịt với nhân dân, tạo đồng thuận của nhân dân.
|
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị.
|
Cũng tại hội nghị giao ban báo chí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã dành nhiều thời gian cung cấp các thông tin về biện pháp giải quyết quá tải trong y tế; giảm áp lực dân số khu vực nội thành; thu gom, xử lý rác thải; cung cấp nước sạch... được nhiều cơ quan báo chí quan tâm.
"Thời gian qua, các cơ quan trung ương, Bộ Y tế và thành phố Hà Nội đã quan tâm tập trung tăng cường tuyến y tế cơ sở; luân chuyển, điều động định kỳ bác sĩ từ các bệnh viện về trạm y tế; mở rộng diện khám chữa bệnh thanh toán bằng BHYT tại tuyến cơ sở. Các bệnh viện tuyến huyện cơ bản được đầu tư nâng cấp và xây dựng để bảo đảm cơ sở vật chất và số giường bệnh đáp ứng yêu cầu khu vực.
Ngoài ra, thành phố đã đầu tư mở rộng một số bệnh viện tuyến thành phố; kêu gọi nhà đầu tư thực hiện xã hội hoá xây dựng nhiều bệnh viện trên địa bàn, phấn đấu đạt mục tiêu 26 giường bệnh/vạn dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố và trung ương" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nêu.
Để nâng cao chất lượng sống cho người dân, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội quan tâm, tập trung giải quyết bức xúc trước mắt của nhân dân, như cung cấp nước sạch; thu gom và xử lý rác thải tập trung bằng công nghệ cao, không ảnh hưởng đến môi trường; quan tâm giải quyết rác thải nông thôn...
Nhằm giải tải áp lực tăng dân số, ngoài việc thực hiện việc di chuyển các trường đại học, trụ sở các bộ, ngành ra khỏi khực nội đô, thành phố quan tâm đến việc xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các khu đô thị vệ tinh như Xuân Mai, Thường Tín, Sơn Tây....