Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội phấn đấu duy trì vị trí trong top 10 về gia công phần mềm trên toàn cầu

Việt Nga| 29/05/2016 06:17

(HNM) - Theo Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin (CNTT) thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp CNTT với các khu CNTT tập trung, các doanh nghiệp CNTT hiện đại, có sức cạnh tranh cao, đồng thời dành sự quan tâm đặc biệt tới việc khởi nghiệp của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi cởi mở với Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Hà Nội Phan Lan Tú xung quanh vấn đề này.

Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú.


Phát huy lợi thế nguồn nhân lực chất lượng cao

- Trong Quy hoạch phát triển CNTT Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến 2030 (ban hành năm 2012), thành phố đã đề cập vấn đề phát triển không gian cho phát triển CNTT, trong đó cũng đã nêu việc xây dựng các khu CNTT tập trung, công nghệ cao. Vậy, đến nay, “không gian” này đã được định hình như thế nào, thưa bà?

- Đến nay, ngoài Khu công nghệ cao Hòa Lạc (do Bộ Khoa học - Công nghệ quản lý), trên địa bàn thành phố đã có các khu CNTT tập trung, gồm:

Thứ nhất, Khu CNTT tập trung Cầu Giấy là khu CNTT tập trung đầu tiên của thành phố và là khu CNTT tập trung thứ 3 của cả nước, trong đó có 80 doanh nghiệp (DN) CNTT hoạt động, đem lại việc làm cho 9.500 người (chiếm khoảng 71% tổng số lao động toàn khu), đạt khoảng 50.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2015. Đây là khu CNTT tập trung được hình thành từ Cụm Công nghiệp vừa và nhỏ Cầu Giấy - nơi quy tụ được nhiều DN công nghệ đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó có những tập đoàn lớn về CNTT, viễn thông hàng đầu trong nước.

Thứ hai, Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội do Công ty TNHH nhà nước MTV Hanel làm chủ đầu tư có diện tích khoảng 32ha tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Hiện tại, dự án này đã hoàn thiện một phần cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt cuối tháng 3 vừa qua đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Khu CNTT tập trung Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội.

Thứ ba, Khu Công viên CNTT Hà Nội do Công ty CP Him Lam - Chi nhánh Hà Nội là chủ đầu tư với diện tích hơn 26ha (nằm trên địa bàn phường Phúc Đồng và Long Biên, quận Long Biên). Khu CNTT này đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật được 20ha.

Thứ tư, Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của Hà Nội vừa được UBND thành phố đồng ý chủ trương về địa điểm quy hoạch tại hai xã Nguyên Khê và Tiên Dương (huyện Đông Anh) nằm hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với quy mô khoảng 70-80ha. Hiện tại, Sở TT-TT đã hoàn thiện Đề án Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm này, trình UBND thành phố làm cơ sở để triển khai đầu tư xây dựng.

- Thành phố sẽ ưu tiên phát triển những ngành nghề nào được đầu tư sản xuất vào các khu CNTT tập trung, thưa bà? Phần mềm, nội dung số, hay phần cứng CNTT?

- Trước hết phải khẳng định rằng, từ những năm 2010-2011, trong các chương trình, kế hoạch phát triển về CNTT, Hà Nội đã nhấn mạnh quan điểm phát triển tập trung và ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT. Quan điểm này cũng tiếp tục được duy trì trong giai đoạn hiện nay. Hiện Sở TT-TT đang báo cáo UBND thành phố ban hành Chương trình phát triển công nghiệp CNTT TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm,

nội dung số và dịch vụ CNTT, là những ngành có giá trị gia tăng cao, nhằm phát huy tiềm năng lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.

Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng CNTT tập trung

- Khu Công viên CNTT Hà Nội (do Công ty CP Him Lam Chi nhánh Hà Nội là chủ đầu tư) và Khu Công viên công nghệ phần mềm (do Công ty TNHH MTV Hanel đầu tư) đều đã có quá trình hình thành 5-6 năm nay. Song như đã nêu, đến nay vẫn còn những khu chưa hoàn thiện xong hạ tầng. Đâu là lý do khiến việc xây dựng kéo dài như vậy, thưa bà?

- Như tôi đã nói ở trên, Khu Công viên CNTT Hà Nội hiện mới hoàn thành hạ tầng kỹ thuật được 20/26ha (chiếm 77% tổng diện tích) và được biết họ đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại (còn hơn 360 hộ dân đang sinh sống trong khu vực dự án). Hiện chủ đầu tư đang tích cực thực hiện các phần việc để có thể hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật vào cuối năm 2016. Với Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, các hạng mục đầu tư xây dựng hạ tầng đã hoàn thành trong năm 2015; hiện chủ đầu tư đang tiếp tục triển khai các hạng mục theo tiến độ đã được phê duyệt và đẩy mạnh thu hút đầu tư.

- Không ít DN CNTT tại Hà Nội từng phàn nàn việc thiếu mặt bằng để hoạt động, song thông tin cho thấy, dường như các DN CNTT lại chưa chọn thuê mặt bằng ví dụ như ở trong Khu Công viên CNTT Hà Nội chẳng hạn (dù đã hoàn thiện hạ tầng tại 20/26ha và đã có Trung tâm Thương mại AEON của Nhật Bản đi vào hoạt động từ năm 2015). Liệu ở đây có chuyện gì vướng mắc không, thưa bà?

- Được biết, trong giấy phép, Khu Công viên CNTT Hà Nội được phép xây dựng theo hướng hiện đại với không gian dành cho DN CNTT và các DN hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ, do vậy, ngoài “đất” dành cho DN CNTT thuê mặt bằng, thì họ còn dành đất cho phát triển các dịch vụ khác, trong đó có trung tâm thương mại. Đến nay, khu này vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng thì hạ tầng trong khu chưa thể hoàn thiện hoàn chỉnh, có lẽ đó cũng là lý do mà họ chưa muốn thu hút các doanh nghiệp CNTT vào đầu tư. Còn với Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, tôi được biết Hanel đã chủ động mời gọi các nhà đầu tư vào khai thác, kinh doanh, sản xuất, trong đó có một số đối tác chiến lược.

- Có không ít ý kiến của chuyên gia, lãnh đạo DN CNTT cho rằng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế (trong đó có cả thuế thu nhập cá nhân), giá thuê đất, mặt bằng cho DN CNTT... Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm lớn tới lĩnh vực CNTT nói chung. Chính phủ cũng đã có những quy định cụ thể về ưu đãi cho CNTT, trong đó thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực sản xuất sản phẩm phần mềm được ưu đãi về thuế là 10% trong thời hạn 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo...

Đặc biệt, một tin rất vui với cộng đồng CNTT là ngày 26-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam. Trong Nghị quyết này, Chính phủ cũng đã quy định về ưu đãi thuế thu nhập cho DN CNTT, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân làm trong lĩnh vực CNTT; có những quy định về ưu đãi, khuyến khích với một số lĩnh vực sản xuất CNTT, một số dự án… Đây là “cú hích” quan trọng giúp nâng cao sức cạnh tranh của DN CNTT, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển CNTT nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Về phía Hà Nội, thời gian qua, Sở TT-TT cũng nhận được một số ý kiến của các DN CNTT kiến nghị thành phố có ưu đãi về thuế đất, thuê mặt bằng… Chúng tôi đã tổng hợp các ý kiến trên gửi UBND thành phố và các sở, ngành liên quan xem xét, giải quyết.

Ưu tiên phát triển doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp

- Được biết, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm, vậy những phần việc tiếp theo là gì? Dự kiến bao giờ sẽ khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng, thưa bà?

- Hiện nay, Sở TT-TT đã trình UBND thành phố Đề án “Xây dựng Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của TP Hà Nội”. Về đề án này, thành phố cũng nêu rõ quan điểm sẽ do Ban quản lý dự án cấp thành phố triển khai các hạng mục đầu tư, chịu trách nhiệm khâu giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung, khu quản lý, dịch vụ; đồng thời cũng sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hóa cho DN thuê đất tự đầu tư... Dự kiến Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm này sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2016 và với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, chắc chắn khu CNTT này sẽ hoàn thành và sớm đi vào hoạt động.

- Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của TP Hà Nội sẽ ưu tiên thu hút đầu tư những lĩnh vực nào?

- Theo đề án, việc xây dựng Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm của TP Hà Nội là nhằm mục tiêu hình thành khu CNTT tập trung kiểu mẫu. Đây sẽ là trung tâm sáng tạo, trung tâm công nghệ, vườn ươm công nghệ của cả nước, đồng thời tạo môi trường chuẩn quốc tế. Do vậy, Hà Nội sẽ ưu tiên thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp phần mềm và nội dung số; mô hình vườn ươm DN CNTT. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, Khu Công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm này sẽ là khu CNTT thông minh, nơi tạo môi trường thuận lợi cho các DN CNTT khởi nghiệp. Ví dụ sẽ dành “chỗ” cho DN khởi nghiệp hoạt động với chính sách ưu đãi đặc biệt cho đến khi DN phát triển, lớn mạnh...

Tập trung xây dựng Đề án “Vườn ươm DN CNTT”

- Xin bà cho biết chủ trương của thành phố trong phát triển công nghiệp CNTT?

- Hiện thành phố đang giao Sở TT-TT hoàn thiện dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp CNTT TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, trong đó Hà Nội xác định mục tiêu: Phát triển công nghiệp CNTT trọng tâm là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT trở thành ngành kinh tế tri thức, có giá trị gia tăng cao; là động lực phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô. Phấn đấu đến năm 2020, các sản phẩm phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT của Thủ đô đáp ứng tốt yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới công nghệ số nhằm phục vụ hiệu quả cho các tổ chức và công dân. Phấn đấu đưa Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp CNTT hàng đầu của cả nước... Cụ thể, doanh thu công nghiệp CNTT sẽ chiếm 20% tổng doanh thu công nghiệp CNTT cả nước; thu hút khoảng 80.000 lao động trong lĩnh vực này; duy trì vị trí trong top 10 về thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm trên toàn cầu.

- Mục tiêu của Chính phủ là đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp với khoảng 2 triệu DN, vậy Hà Nội có kế hoạch như thế nào để hỗ trợ DN CNTT khởi nghiệp?

- Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có khoảng hơn 6.000 DN CNTT, thu hút được 86.317 lao động trong đó có khoảng 60.400 lao động CNTT. Nhìn chung DN CNTT trên địa bàn thành phố chủ yếu là các DN vừa và nhỏ (chiếm 90-95% tổng số DN CNTT). Các DN này có đặc điểm là khá năng động nhưng năng lực tài chính yếu, đồng thời thiếu những định hướng phát triển lâu dài, vì vậy khả năng cạnh tranh ở mức độ thấp, đặc biệt là DN mới thành lập.

Hà Nội với vị thế là Thủ đô, là trung tâm chính trị, kinh tế và sẽ phấn đấu là một trung tâm khởi nghiệp hàng đầu của cả nước. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở TT-TT đang xây dựng “Đề án Vườn ươm DN CNTT TP Hà Nội” nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, ươm tạo các dự án kinh doanh nhiều tiềm năng, ý tưởng sáng tạo của các DN khởi nghiệp. Chẳng hạn, thành phố sẽ có cơ chế ưu đãi (miễn phí thuê mặt bằng, hoặc cho vay vốn với DN khởi nghiệp) nhưng khi có sản phẩm lớn mạnh, DN có thể ra khỏi “vườn ươm”, hay nói cách khác là không được hưởng ưu đãi nữa.

Trong chiều 27-5, chúng tôi đã mời các chuyên gia, đại diện các hiệp hội về CNTT, đại diện một số sở, ngành góp ý cho đề án. Các ý kiến góp ý đều rất xác đáng, tâm huyết về việc xây dựng mô hình tổ chức hoạt động, về nguồn tài chính... để “Vườn ươm” phù hợp với hoạt động thực tế và cái cuối cùng là hoạt động hiệu quả và hỗ trợ hiệu quả cho DN CNTT khởi nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu và chỉnh sửa để hoàn chỉnh bản đề án này trước khi trình thành phố.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phấn đấu duy trì vị trí trong top 10 về gia công phần mềm trên toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.