(HNM) - Đó là yêu cầu trong Kế hoạch số 189/KH-UBND (ngày 6-7-2022) của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội sang tự chủ tài chính năm 2021 và giai đoạn 2022-2025.
Kế hoạch nêu rõ, thời gian tới sẽ tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020. UBND thành phố yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sẽ tự chủ về một số nội dung như: Được quyết định số lượng người làm việc; được chủ động quyết định việc sử dụng nguồn tài chính, tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch hoạt động của đơn vị để nâng cao thu nhập cho viên chức, người lao động.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ đổi mới hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có năng lực tự chủ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, trùng lắp. Giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Thành phố đặt mục tiêu: Các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 tự bảo đảm từ 80% trở lên, phấn đấu năm 2022 đạt 100% tự bảo đảm chi thường xuyên. Năm 2023, các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 tự bảo đảm từ 50% trở lên, phấn đấu năm 2023 đạt 100% tự bảo đảm chi thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 tự bảo đảm từ 30% trở lên, phấn đấu năm 2024 đạt 100% tự bảo đảm chi thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 tự bảo đảm từ 10% trở lên, phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% tự bảo đảm chi thường xuyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.