(HNM) - Trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong hai ngày (1 và 2-4), Hội nghị phi tập trung Việt - Pháp lần thứ XI có chủ đề
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham quan các gian trưng bày sản phẩm, ẩm thực của các địa phương Việt Nam tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt - Pháp. Ảnh: TTXVN |
Hình mẫu hợp tác giữa các địa phương
Hợp tác giữa các địa phương (hay còn gọi là hợp tác phi tập trung) Việt Nam - Pháp được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập mối quan hệ đối tác giữa Vùng Ile-de-France và thành phố Hà Nội. Trong suốt 30 năm qua, hình thức hợp tác này không ngừng được củng cố, phát triển và đã trở thành nét đặc thù, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa các cấp địa phương của hai nước.
Quán triệt chính sách đối ngoại rộng mở nhằm tăng cường hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, sau Vùng Ile-de-France, Hà Nội không ngừng xây dựng và thiết lập quan hệ với các địa phương khác của Pháp, trong đó không thể không nhắc tới thành phố Toulouse (1996). Các nội dung hợp tác ngày càng đa dạng, với nhiều lĩnh vực như: Viện trợ phát triển, giúp đỡ chuyên gia, đầu tư trực tiếp, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa của thành phố Hà Nội...
Nhờ sự nỗ lực từ cả hai phía, những năm gần đây, quan hệ giữa Hà Nội với các địa phương của Pháp không ngừng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển quan hệ giữa các địa phương của hai quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại, có 96 dự án của Pháp đang đầu tư tại Hà Nội với tổng số vốn đăng ký lên tới 246,3 triệu USD, bao gồm nhiều lĩnh vực như: Truyền thông - truyền hình, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ xây dựng, thương mại, tài chính - ngân hàng. Bên cạnh các hoạt động đầu tư trực tiếp, Pháp đã tài trợ thành phố Hà Nội 3 dự án với tổng số vốn 515,39 triệu euro, trong đó có Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Đến nay, cũng đã có 25 văn phòng đại diện của thương nhân Pháp đăng ký hoạt động tại Hà Nội, chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, giao thông - vận tải, dược phẩm, thiết bị điện, kiến trúc. Pháp cũng là đối tác thương mại quan trọng của Hà Nội với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2018 đạt khoảng 300 triệu USD. Số khách du lịch Pháp tới Hà Nội năm 2018 đạt 208.762 lượt, đứng thứ 5 trong tốp 10 thị trường hàng đầu gửi khách tới Hà Nội. Năm 2018, thành phố đã tổ chức các hoạt động chuyên đề về đầu tư, thương mại, du lịch hướng tới Pháp như tăng cường trao đổi đoàn, mở rộng kênh giao thương, tổ chức tọa đàm tăng cường quan hệ đối tác cấp địa phương Việt Nam - Pháp, phối hợp với Vùng Ile-de-France và Cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại Pháp tổ chức tọa đàm Hà Nội - phát triển đô thị bền vững...
Đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương của Pháp, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-2018, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định, hiệu quả hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương của Pháp là minh chứng sống động về mối quan hệ song phương Việt - Pháp.
Dấu ấn Hà Nội
Luôn coi trọng hợp tác toàn diện, hiệu quả, lâu dài với các địa phương của Pháp, Hà Nội đã có những đóng góp tích cực vào Hội nghị phi tập trung Việt - Pháp lần thứ XI tại Toulouse. Trên thực tế, ngay sau hội nghị lần thứ X được tổ chức tại thành phố Cần Thơ năm 2016, trong những chuyến thăm của lãnh đạo thành phố Hà Nội tới Toulouse và ngược lại, hai bên đã nhiều lần bàn thảo kế hoạch đóng góp nhằm làm phong phú thêm nội dung của hội nghị lần thứ XI. Kỳ vọng đây là sự kiện mang tính bước ngoặt cho hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa Hà Nội với các địa phương của Pháp nói riêng, Đoàn đại biểu thành phố đã mang tới hội nghị hàng loạt chuyên đề thảo luận, trong đó chú trọng thu hút đầu tư, kết nối, phát huy sự giao thoa lợi ích kinh tế. Đáng chú ý, trong số đó có tham luận về hợp tác Việt - Pháp trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội do đại diện UBND quận Hoàn Kiếm trình bày, hoặc tham luận về phát triển kinh tế bền vững tại Hà Nội của Sở Kế hoạch và Đầu tư...
Bên lề hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và ngài Jean-Claude Dardelet, Phó Chủ tịch Vùng đô thị Toulouse đã chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp. Đây là cơ hội để Hà Nội giới thiệu tới các hiệp hội, doanh nghiệp Pháp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, tiềm năng, thế mạnh và chính sách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, nhất là trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, giao thông, hệ thống cấp thoát nước, môi trường, chăm sóc sức khỏe, logistic... Danh mục dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài vào thành phố Hà Nội trong thời gian tới cũng được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung công bố tại sự kiện. Lãnh đạo thành phố khẳng định, chủ trương của Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi để Hà Nội phát triển thành Thủ đô “Xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương” với các giá trị cốt lõi hướng tới một đô thị thông minh. Điều này hứa hẹn Hà Nội sẽ là một thành phố đáng sống và là điểm đầu tư kinh doanh, du lịch hấp dẫn, thành công cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Song song với nỗ lực kết nối, hỗ trợ để một số dự án hợp tác song phương được ký kết ngay tại hội nghị, Hà Nội cũng tăng cường các hoạt động nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng. Ngoài đưa đoàn nghệ thuật của Hà Nội sang biểu diễn, thành phố còn tài trợ một số món ăn đặc trưng của Thủ đô và Việt Nam như nem, chả, cá ba sa, cà phê trứng… Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung có những điểm tương đồng văn hóa với Pháp. Nhiều nét văn hóa của Pháp còn hiện diện sâu đậm ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tin tưởng, chương trình giới thiệu văn hóa, ẩm thực Hà Nội sẽ để lại trong lòng những người bạn Pháp ấn tượng khó phai về một Thủ đô nghìn năm văn hiến và một không gian ấm áp cho tình hữu nghị Việt - Pháp.
Đặc biệt hơn nữa, Hà Nội đã vinh dự được lựa chọn là địa phương tiếp theo đăng cai Hội nghị hợp tác phi tập trung Việt - Pháp lần thứ XII vào năm 2022. Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của chính quyền và người dân Thủ đô nhằm đẩy mạnh hơn nữa mô hình hợp tác đặc thù giữa các địa phương hai nước ngày càng hiệu quả và đạt nhiều thành tựu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.