Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội nở rộ phong trào học song ngữ

Lan Hương| 26/05/2010 14:18

(HNMO) – Trong bối cảnh hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nhiều cha mẹ học sinh ngày càng mặn mà đến việc cho con học song ngữ, trong đó tập trung vào học tiếng Anh… Các em giỏi tiếng Anh ngay từ lúc còn bé, và sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai chứ không phải là học ngoại ngữ thông thường.


Bên cạnh đó, sĩ số lớp học song ngữ thường lý tưởng, thường từ 20 – 24 học sinh/lớp; do đó giáo viên có điều kiện quan tâm sâu sát đến từng học sinh không chỉ ở môn tiếng Anh mà còn ở các môn văn hóa khác.

Nhiều trường ở Hà Nội hiện nay đã mở thêm các lớp học song ngữ, hoặc dạy theo hình thức bán quốc tế. Ví như, Trường phổ thông Việt – Úc ở Mỹ Đình, Hà Nội dạy song ngữ cho cả 3 cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Đối tác của Trường phổ thông Việt – Úc là Trường Presbyterian Ladie’s College (PLC) có danh tiếng bề dày trên 120 năm ở Úc. Chương trình học của trường gồm chương trình giáo dục do Bộ Giáo dục Đào tạo quy định kết hợp với chương trình học tiếng Anh và bằng tiếng Anh quốc tế do trường đối tác phụ trách. Học sinh không những được học tiếng Anh mà còn học được cách học, cách diễn đạt bằng tiếng Anh như học sinh ở Úc.



Học sinh lớp 12 của Trường phổ thông Việt – Úc thi lấy chứng chỉ quốc tế AISC (Australian International Certificate).  


Theo Tiến sĩ Lê Phước Hùng, Giám đốc điều hành Trường PT đa cấp Olympia (trường sẽ bắt đầu khai giảng vào tháng 8/2010 để chào mừng lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long-Hà Nội tại Khu đô thị mới Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) , chương trình học của Trường Phổ thông đa cấp Olympia sẽ bao gồm chương trình của Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam (đảm bảo tính hợp chuẩn và liên thông với các cấp phổ thông của hệ thống giáo dục Việt Nam) và chương trình quốc tế. Chương trình quốc tế được cung cấp bởi 2 đối tác từ Mỹ là Trường PTTH Winchendon, bang Massachusetts và Trường phổ thông đa cấp North Shore, bang New York (Mỹ). "Chúng tôi không sử dụng 100% chương trình quốc tế, mà chỉ cùng chuyên gia của họ thiết kế lại chương trình sao cho phù hợp với học sinh Việt Nam. Chúng tôi muốn kết hợp những gì ưu việt nhất của 2 chương trình Việt Nam và quốc tế khi đào tạo học sinh” - Tiến sĩ Hùng nói. Như vậy, ngoài các chương trình của Việt Nam, Trường phổ thông đa cấp Olympia còn đào tạo chương trình tiếng Anh (gồm 3 môn: Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, Tiếng Anh Toán và Tiếng Anh khoa học) và Chương trình phát triển thể chất và nhân cách (hướng tới 4 mục tiêu phát triển về tinh thần, xã hội, đạo đức và văn hoá cho học sinh).

Bên cạnh đó, GS, TS, Nhà Giáo ưu tú, Chủ biên bộ SGK Toán - Đại số-Giải tích THPT Vũ Tuấn, người xây dựng thành công dự án giáo dục song ngữ của Trường PT đa cấp Hồng Hà - Nguyễn Khuyến (780 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Đào tạo theo chương trình giáo dục song ngữ là một yêu cầu xuất hiện trong xu thế nhiều phụ huynh muốn con theo học các trường (Phổ thông và Đại học) ở nhiều nước tiên tiến trong khu vực (như ở Singapore, NewZealand,...) và trên thế giới (Anh, Mỹ,...). Chuẩn bị năng lực ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ, còn là một trong những đòi hỏi đầu tiên trong việc tìm kiếm công ăn việc làm của thanh niên trong bước đầu vào đời. Giáo dục song ngữ là một yêu cầu tất yếu của nền giáo dục phổ thông. Theo đó, từ cuối năm 2009 nhà trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy các lớp song ngữ theo hai phương án: học song ngữ từ lớp 1 đến lớp 12; học song ngữ từ lớp 6 đến lớp 12 với yêu cầu tăng cường giờ học tiếng Anh, đặc biệt tăng giờ luyện tập nghe nói; học một số môn trực tiếp bằng tiếng Anh như môn Toán; môn Khoa học Xã hội; môn Khoa học Tự nhiên. Các môn học này được học theo đúng chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau quá trình tổ chức học thử cho các em học sinh đạt kết quả, từ năm học 2010 – 2011 này, Trường PT đa cấp Hồng Hà - Nguyễn Khuyến chính thức tuyển sinh và giảng dạy cho lớp 1 song ngữ và lớp 6 song ngữ.

Có thể thấy việc dạy và học song ngữ phát triển nhanh ở Hà Nội trong thời gian qua, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đặc biệt là để đáp ứng được việc học song ngữ, các trường phải thực hiện đổi mới chương trình - phương pháp – quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo, tăng cường nguồn tài chính, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, theo ý kiến một số nhà giáo, các bậc cha mẹ cần phải sáng suốt và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định cho con học song ngữ. Bởi vì học sinh học song ngữ ngoài đảm bảo mặt bằng kiến thức như các học sinh lớp thường còn phải “gánh” thêm nhiều tiết ngoại ngữ tăng cường trong tuần. Do vậy, nếu không có năng khiếu ngoại ngữ và sức khỏe tốt, các em phải “bơi” mới mong theo kịp các bạn. Chưa kể xảy ra tác dụng ngược: Nếu nỗ lực không thành, học sinh từ việc chán ngoại ngữ sẽ tiến dần đến chán những môn học khác.

Còn với những em bắt kịp được việc học song ngữ sẽ tiếp cận được phương pháp học chủ động, học nhóm, nhanh nhạy trong giao tiếp cũng như học tập. Vì thế học sinh học chương trình song ngữ rất dạn dĩ, dễ hòa nhập với tập thể, cộng đồng. Trong lớp các em hăng hái phát biểu, giao tiếp tự tin với người nước ngoài cũng như trong phát triển nhiều mặt của cuộc sống sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội nở rộ phong trào học song ngữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.