Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội, năm 1001

Phan Quang| 18/10/2010 06:29

(HNM) - Vậy là mười ngày Đại lễ Thăng Long - Hà Nội đã đến trong náo nức mong chờ, tưng bừng chào đón của người dân Việt, và cũng đã qua đi, để lại những ấn tượng và cảm tưởng khác nhau, thậm chí trái ngược, song chắc chắn khó phai mờ trong lòng mọi người, trước hết những người đang ở Hà Nội.

Vậy là một cái mốc lớn đã qua. Hà Nội đang giữa mùa Thu, còn những bốn tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, năm dương lịch thì cũng gần một quý, đủ cho cả nước phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, tiến tới sự kiện có ý nghĩa: Đạị hội lần thứ XI của Đảng. Có thể nói Hà Nội và cả nước ta đã bước vào thời điểm tạm gọi là kỷ nguyên mới. Thăng Long - Hà Nội tròn ngàn năm tuổi. Thăng Long - Hà Nội bắt đầu bước vào năm 1001. Sao ta không thể ước lệ với nhau, coi như đó là cái lịch của riêng Thủ đô Hà Nội ta, của Việt Nam ta, để mà làm tiếp những việc lớn của chúng ta sau Đại lễ?

"Ngàn lẻ một" từ lâu theo quan niệm dân gian nhiều nước là con số mang hình tượng đẹp. Ít nhất từ hơn ba trăm năm, kể từ khi bộ truyện A rập Nghìn lẻ một đêm lan truyền khắp thế giới. Con số 1001 trong ngôn ngữ nhân gian đồng nghĩa với cái nhiều, sự phong phú, vẻ huyền ảo lung linh, những nét thực hư xa vời tiên cảnh mà gần gũi đời thường… Ai nhìn theo phía nào cũng được, muốn hiểu cách nào chẳng sao, song ít ra có điểm chung nhất là: rốt cuộc vui nhiều buồn ít, được nhiều hơn mất, cái đẹp cuối cùng đẩy lùi cái xấu, con người ở đâu và thời nào cũng vẫn vươn tới cái cao cả nhân văn. Đại lễ của ta ngàn lẻ một vẻ, song thành công là nổi trội.

Ban tổ chức quốc gia Đại lễ chắc đang làm công việc tổng kết về những cái được và chưa được, những cái đáng ra có thể làm cách khác, có thể làm tốt hơn hoặc không cần làm... Điều khẳng định là Đại lễ lưu lại nhiều cái lớn trên Thủ đô ta, cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Trước hết là những công trình hoành tráng với nghĩa đúng của hai từ đó, thực sự có lợi cho quốc kế dân sinh, những cơ sở hạ tầng, những thiết chế văn hóa, những tượng đài và tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Chắc chắn sẽ tồn tại dài lâu nhiều công trình đẹp bền, và cũng chắc chắn khó tránh những hạng mục nào đó rồi sẽ phải vá víu, sửa chữa, thậm chí phá đi làm lại tốn kém công của do thiết kế, thi công vội vàng. Chắc chắn có ở một vài thứ được gọi là sản phẩm, là "kỷ lục" không có mấy hàm lượng văn hóa mà một số người nào đó vội vã làm ra để "ăn theo", nhân danh Đại lễ mưu tìm cái danh cái lợi cho mình.

Một điều không ai có thể phủ nhận là sự quan tâm rộng rãi của công chúng đối với sự kiện lớn. Không rõ đã có nhà nghiên cứu hay cơ quan nào tính được vừa qua có bao nhiêu người Việt ở trong nước và ngoài nước mong đợi, nô nức theo dõi Đại lễ ngàn năm, tại chỗ cũng như thông qua các phương tiện truyền thông? Theo nhận xét của Tiểu ban Tuyên truyền Ban Tổ chức, thì trong thời gian dài chuẩn bị, nhất là những ngày cận kề và đúng vào thời gian cao điểm của Đại lễ, 100% phương tiện truyền thông Hà Nội và Việt Nam có chuyên đề, chuyên mục, chuyên trang, chuyên số, chuyên kỳ… về chủ đề ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Đúng vậy. Không chỉ tuyên truyền chiều rộng theo dòng thời sự, mà bằng 1001 thể loại, hình thức, phương tiện khác nhau, công tác truyền thông đã đi sâu, kiên trì truyền bá một khối thông tin đồ sộ về lịch sử và văn hóa nước nhà, về truyền thống bất khuất và ý chí vượt khó vươn lên của người Việt, về những nét đẹp cần gìn giữ của văn hóa Việt Nam…

Những ngày sắp bước vào Đại lễ, vẫn thông qua các phương tiện truyền thông, nhiều người đã công khai bày tỏ ước vọng tự đáy lòng: Người Việt Nam ta, trước hết là người có diễm hạnh trực tiếp tham dự, nên làm sao đây cho Đại lễ thành công như náo nức mong chờ? Làm sao đây để in đậm vào lịch sử đương đại nhiều nét vui, giảm thiểu những chuyện phiền lòng không đáng có, cho xứng với ý nghĩa quyết định ngàn năm của vua Lý? Mỗi người nên hành xử cách sao cho sự kiện ngàn năm Thăng Long - Hà Nội thể hiện được thực chất tinh anh văn hóa và bản lĩnh con người thời đại Hồ Chí Minh?

Ông cha ta vẫn nói, xưa nay con sâu làm rầu nồi canh mà. Loại bỏ, ngăn ngừa các con sâu ngay từ khi trồng rau, nhặt rau, rửa rau, không để cho cách hành xử kém văn hóa của một số ít người nào đó gây hại, làm vơi làm lụi đi những nét thanh lịch, hào hoa vốn có của người Tràng An, là việc ai cũng biết khó làm xong ngày một ngày hai, nhất là dịp Đại lễ vừa qua. Song, chúng ta dứt khoát phải coi đó là một trong những việc phải bắt tay làm từ năm ngàn lẻ một.

Ai cũng biết nói dễ làm khó. Nhất là những việc không thể làm khơi khơi sáu tháng, một năm rồi sơ kết, tổng kết. Phàn nàn, chê trách, phê phán, hô hào đều không mấy tác dụng. Phải làm một cách căn cơ, dựa trên quan niệm thống nhất, theo một kế hoạch dài lâu, đồng bộ, với sự tham gia tự giác của cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội, năm 1001

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.