(HNM) - Chiều 8-6, bên hành lang Quốc hội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có cuộc trao đổi với một số cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông của TP Hà Nội.
Đồng chí Hoàng Trung Hải cho biết, việc tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông ai cũng muốn làm nhưng cái khó là nguồn kinh phí. Những năm qua, tốc độ gia tăng phương tiện ô tô, xe máy trên toàn thành phố là 16-18%/năm. Tốc độ tăng dân số cũng vẫn cao, khoảng 200.000 người/năm. Hạ tầng vận tải công cộng phải cố gắng để đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ tăng thêm 62 tuyến xe buýt. Đồng chí nhấn mạnh, để phát triển phương tiện công cộng và khuyến khích sự tham gia của người dân, hằng năm, thành phố đều phải bù lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng cho xe buýt và sắp tới sẽ lên đến 2.000 tỷ đồng. Trong kế hoạch phát triển giao thông công cộng, hệ thống đường sắt đô thị cũng chiếm kinh phí lớn, khoảng 38 tỷ USD và để đáp ứng sự phát triển, Hà Nội đã và đang phải cân đối nguồn vốn.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội, mỗi người dân Thủ đô cũng cần đóng góp, ủng hộ chính sách chung của thành phố để làm cho giao thông ngày càng cải thiện hơn. Đồng chí Hoàng Trung Hải lấy ví dụ khi làm thêm đường để tránh ùn tắc thì chắc chắn phải di chuyển cây xanh. Thành phố vẫn cố gắng làm thế nào để giữ cây tối đa và sự di chuyển cũng cần sự chia sẻ của người dân.
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về giải pháp triển khai phát triển giao thông, giãn dần dân cư ra ngoại thành, đồng chí Hoàng Trung Hải nêu rõ, Hà Nội cũng đang đầu tư rất lớn và kêu gọi đầu tư xã hội mạnh mẽ. Tổng vốn ngân sách đầu tư cho thành phố một năm chỉ 30.000 tỷ đồng. "Một đoạn ngắn đường vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục đã ngốn 7.300 tỷ đồng. Vậy làm gì với 30.000 tỷ đồng/năm. Thành phố còn hàng loạt dự án như tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, 3,5, 4 và 5, rồi các tuyến đường xuyên tâm… tất cả đều phải đầu tư thêm. Muốn giãn dân ra ngoài cũng phải mở rộng cơ sở hạ tầng chứ không thể chỉ hô hào" - đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Trong quy hoạch, Hà Nội còn 5 khu đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Hiện nay đã có nhà đầu tư nhận làm đô thị vệ tinh, đường sắt nối đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm, nhưng có hoàn thành thì cũng mất nhiều năm chứ không đơn giản. Đồng chí nói: "Trong hội nghị đầu tư tôi đã nói, cơ chế là 80/20, tức ngân sách thành phố chỉ lo được 20% vốn đầu tư theo yêu cầu, còn lại 80% phải huy động từ nguồn xã hội hóa; nghĩa là phải tạo môi trường, cơ chế, điều kiện hấp dẫn để nhà đầu tư quan tâm, quyết định đầu tư".
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, mong muốn của lãnh đạo Thành phố là muốn làm nhanh những dự án hạ tầng giao thông vì sức ép thực tế đã rất lớn. Ví dụ như việc làm giao thông kết nối, toàn thành phố có rất nhiều điểm cần kết nối trên hệ thống. "Nếu tổ chức hệ thống kết nối tốt, hiệu quả sẽ thay đổi nhiều nhưng khi triển khai làm, chỉ riêng về thủ tục cũng đã vướng nhiều, mà làm tắt thì không đúng luật. Vì vậy, thành phố muốn có một cơ chế đặc thù để có thể thúc đẩy nhanh các dự án, giải quyết nhanh được những "điểm nghẽn" vì đây đều là những dự án nếu không được thực hiện ngay thì không đáp ứng được những nhu cầu đang rất cấp bách, bức xúc của cuộc sống" - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.