(HNMO) - Sáng 29-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về đề án “Cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020”.
Tại cuộc họp sáng 29-8 |
Hiện nội thành 10 quận Hà Nội có 624 tuyến đường thuộc sự quản lý của Thành phố, trong đó UBND các quận quản lý 545 tuyến hè, chiếm 87%; còn lại là do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý.
Nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án đầu tư lớn ở cấp quốc gia và địa phương cũng như các dự án của các nhà đầu tư quốc tế đã tạo nên sự thay đổi lớn về hình ảnh đô thị. Tuy nhiên, công tác xây dựng đô thị đã làm ảnh hưởng tới chất lượng, mỹ quan các tuyến hè phố. Bên cạnh đó, do thói quen bám vỉa hè để kinh doanh buôn bán, sự quản lý còn chồng chéo, việc xây dựng của các nhà dân, cơ quan hai bên đường làm ảnh hưởng đến chất lượng hè phố; nhiều công trình hạ tầng của các cơ quan, đơn vị lắp dựng trên vỉa hè từ lâu không còn sử dụng đã xuống cấp (các trạm điện thoại, biển quảng cáo trái phép…) gây mất mỹ quan đô thị; nhiều hố ga bật nắp, hư hỏng gây mất an toàn cho người đi bộ... Vì vậy, Sở GTVT cho rằng, việc cải tạo, chỉnh trang hè phố là rất cần thiết.
Theo đề án trên, việc cải tạo, chỉnh trang hè phố được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là 2013-2014, lập quy hoạch thiết kế đô thị riêng cho từng tuyến phố, làm cơ sở khảo sát, thiết kế phục vụ công tác chỉnh trang, cải tạo hè phố; đầu tư cải tạo thí điểm 5 tuyến hè/quận đã và bắt đầu xuống cấp (khoảng 50 tuyến). Giai đoạn 2 (2015-2017), đầu tư cải tạo các tuyến còn lại chưa được đầu tư tạo cảnh quan đô thị (khoảng 186 tuyến). Việc đầu tư chỉnh trang tăng cường, bổ sung cho các tuyến đã được đầu tư trước đây đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu mới, tuân thủ quy hoạch nhằm tạo cảnh quan đô thị sẽ thực hiện ở giai đoạn 3 (2018-2020).
Dự kiến, tổng kinh phí cho dự án này là hơn 1.800 tỷ đồng, được lấy từ vốn ngân sách nhà nước và theo nguồn xã hội hóa đầu tư.
Đóng góp ý kiến cho đề án, đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn thành phố đang diễn ra tình trạng mất cắp nắp đan, nắp hố ga, tấm gang đúc bảo vệ gốc cây dẫn đến gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Vì vậy, quận kiến nghị bổ sung thêm sử dụng vật liệu composite vào đề án để tránh tình trạng trên.
Ảnh minh họa |
Còn đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng, cần có số liệu thống kê đầy đủ tình hình quản lý sử dụng hè, chất lượng lát hè xuống cấp, hư hỏng; đồng thời cũng phải đánh giá nguyên nhân, phân tích kỹ ưu-nhược điểm của các loại kết cấu lát hè dùng hiện nay; thống kê các công trình hạ tầng kỹ thuật nổi xây dựng trên hè gây mất mỹ quan (cột điện, tủ thông tin, trạm biến áp) để có giải pháp quản lý, cải tạo và sắp xếp phù hợp. Bên cạnh đó, mục tiêu của đề án là xây dựng cơ chế cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội nhưng giải pháp về cơ chế chính sách chưa được cụ thể. “Cần có thống kê cụ thể hơn các tên tuyến hè phố của từng khu vực để phân bổ giai đoạn đầu tư, khối lượng đầu tư và vật liệu quy cách ốp lát hè cụ thể” - Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc nếu ý kiến.
Cũng theo đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc, để thực hiện đồng bộ, quá trình cải tạo hè cần khảo sát kỹ các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm và nổi hiện có, liên hệ với các cơ quan chuyên ngành quản lý các công trình này để có giải pháp kỹ thuật thích hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến các công trình ngầm và nổi hiện có.
Không chỉ Sở Quy hoạch Kiến trúc mà nhiều sở, quận khác cũng nhấn mạnh đến vấn đề đồng bộ khi thực hiện đề án này, nhằm tránh xảy ra tình trạng hè vừa được làm xong lại có đơn vị khác đến đào lên đề lắp ống thoát nước hoặc lắp cáp ngầm. “Phải thực hiện đồng bộ cải tạo hè với chỉnh trang hạ tầng như hạ ngầm các đường dây, thoát nước, thiết kế bó gốc cây để phù hợp với đề án “Cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố Hà Nội đến năm 2015””- Đại diện Sở Xây dựng nói.
Ở khía cạnh khác, theo Sở Xây dựng, đề án này chưa thống kê các tuyến hè ưu tiên đầu tư trên địa bàn các quận theo từng giai đoạn, ưu tiên đầu tư các tuyến bị xuống cấp, tuyến xuyên tâm, khu trung tâm chính trị, khu phố cũ, phố cổ, tính toán được kinh phí thực hiện từng giai đoạn trên địa bàn các quận, trong đó ngân sách thành phố và ngân sách xã hội hóa là bao nhiêu?
Liên quan đến ngân sách, Sở Tài chính đề nghị phân chia rõ nhu cầu kinh phí trong từng giai đoạn giữa ngân sách thành phố và quận; đồng thời kinh phí đầu tư cần nêu chi tiết chứ không chỉ đưa con số tổng như vậy…
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở GTVT thu thập để bổ sung hoàn thiện đề án. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, việc thực hiện đề án phải bảo đảm hiện đại, đồng bộ và bền vững. Nội dung đề án cần cụ thể hơn, cần xác định rõ hiện có bao nhiêu phần trăm hè hư hỏng, xuống cấp và mức độ hư hỏng. Về giai đoạn thực hiện đề án, theo Phó Chủ tịch, nên chia làm 2 giai đoạn là 2014-2015 và 2016-2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.