Ngày 26-4, tại Trường Trung học phổ thông Phan Huy chú - Đống Đa (quận Đống Đa), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức diễn đàn học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Diễn đàn có chủ đề “Học tập suốt đời để trở thành những người hữu dụng”. Sự kiện có sự hiện diện của Trưởng Đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, Jonathan Wallace Baker; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định rõ vai trò tiên phong trong việc lan tỏa tinh thần học tập suốt đời. Các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông, giáo dục thường xuyên và nghề nghiệp đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng sống và học tập suốt đời cho học sinh; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - những người giữ vai trò "người truyền cảm hứng" cho hành trình học tập không ngừng nghỉ của thế hệ trẻ.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cam kết tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, điều phối và tổ chức triển khai các hoạt động học tập suốt đời một cách thiết thực, hiệu quả đến năm 2025; chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan hoàn thành mục tiêu đưa Hà Nội trở thành thành viên mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO vào năm 2025.
Bày tỏ quyết tâm của thành phố Hà Nội về việc xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới ”Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà khẳng định, với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo, Hà Nội luôn xác định giáo dục và phát triển con người là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Những năm qua, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập với nhiều phong trào thi đua được triển khai sâu rộng đến địa bàn thôn xóm, tổ dân phố. Thành phố ban hành nhiều chính sách, tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, tạo điều kiện cho người người học tập, nhà nhà học tập, ngành ngành học tập, toàn thành phố học tập.
Thành phố hiện có 579 trung tâm học tập cộng đồng đặt ở 579 xã, phường, thị trấn. Các trung tâm học tập cộng đồng đã tích cực tổ chức các hoạt động và thu hút đông đảo người dân tham gia học tập, trong đó chú trọng đến việc đưa những kiến thức mang tính thời sự vào nội dung các chuyên đề giáo dục, từ đó áp dụng vào thực tế cuộc sống và lao động sản xuất. Nhiều mô hình học tập khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập quan tâm, phát triển như gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng/tổ dân phố học tập, đơn vị học tập… Các mô hình đã có những hoạt động sáng tạo, mang ý nghĩa tích cực trong việc thay đổi nhận thức của người dân về việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần tích cực đối với phát triển nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Diễn đàn với chủ đề “Học tập suốt đời để trở thành những người hữu dụng” thể hiện tinh thần, sự hưởng ứng của dân nhân Thủ đô nói chung và của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói riêng về việc học tập suốt đời; đồng thời, diễn đàn cũng là sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả kế hoạch về xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố học tập” theo định hướng của UNESCO.
Diễn đàn là cam kết của thành phố Hà Nội gia nhập Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2025, khẳng định vị thế tiên phong của Thủ đô trong phát triển con người, lan tỏa tinh thần học tập và kiến tạo một xã hội tri thức.
Tại chương trình, các đại biểu, học sinh đã cùng tham gia diễn đàn học tập suốt đời với những câu chuyện truyền cảm hứng, đó là cô Phạm Thị Huyền (quận Thanh Xuân, Hà Nội) mở lớp học xóa mù chữ cho học sinh cơ nhỡ, thiệt thòi trong suốt gần 30 năm qua.
Câu chuyện của anh Phạm Quốc Việt, 38 tuổi, học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân đã đem đến nhiều cảm xúc cho học sinh khi chia sẻ câu chuyện về việc sáng lập đội cứu hộ không thu phí vào năm 2019 và tham gia cứu hộ nhiều vụ cháy lớn.
Diễn đàn có sự tham gia của anh Phạm Quang Giang, 40 tuổi, học viên khiếm thị, đang học lớp 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm). Vượt qua khó khăn bệnh tật, anh đã nối lại hành trình tìm kiếm tri thức sau gần 20 năm ngắt quãng và truyền lửa sự ham học hỏi của mình tới những người xung quanh.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu, học sinh tham quan khu trưng bày, triển lãm và giao lưu, tìm hiểu về sách, mô hình học tập cộng đồng, phương pháp tự học…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.