Giao thông

Hà Nội làm gì để "xanh hóa" xe buýt?

Lương Ninh Giang 28/11/2023 - 19:38

Các doanh nghiệp buýt rất đồng tình, ủng hộ chuyển đổi phương tiện xanh, sạch, nâng chất lượng dịch vụ nhằm tăng sản lượng, doanh thu. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp nhiều rào cản, đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi còn rất hạn chế…

Đó là thông tin được nêu ra tại buổi tọa đàm “Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?” do Báo Giao thông tổ chức chiều nay (28-11).

toa-dam-xanh-hoa-xe-buyt.jpg
Các đại biểu tại buổi tọa đàm.

Ba thách thức chính khi chuyển đổi phương tiện xanh, sạch

Ngày 2-12-2021, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (HPTC) và Công ty TNHH dịch vụ sinh thái Vinbus tổ chức khai trương tuyến buýt điện đầu tiên mang số hiệu E03 (Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park). Đây cũng là tuyến xe buýt điện đầu tiên của cả nước được đưa vào khai thác. Sau tuyến E03, đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 9 tuyến buýt điện. Sản lượng hành khách mà 9 tuyến buýt điện ước đạt được năm 2023 vào khoảng 19,6 triệu lượt hành khách, tăng 16,9% so với kế hoạch năm 2023 và tăng 136% so với cùng kỳ.

Theo lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Song, thực tế hiện nay, Hà Nội có tới 2.034 xe buýt trợ giá nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe sử dụng khí CNG và 138 xe buýt điện, đạt 13,6% toàn mạng.

Theo ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành (thuộc HPTC), các doanh nghiệp rất đồng tình, ủng hộ chuyển đổi phương tiện xanh, sạch, chất lượng dịch vụ mới nhằm tăng sản lượng, doanh thu. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp nhiều rào cản bản thân họ không thể giải quyết được mà cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, như chính sách hỗ trợ vốn, lãi vay…

Việc chuyển đổi phương tiện xe buýt sang phương tiện xanh, sạch có nhiều khó khăn. Có thể kể đến ba thách thức chính. Thứ nhất là vốn đầu tư. Theo tính toán, chi phí đầu tư phương tiện xanh cao gấp 2,4 lần so với xe buýt truyền thống sử dụng diesel. Chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực của doanh nghiệp. Kèm theo đó là nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến trạm sạc điện, hệ thống trạm biến áp, nguồn cấp điện, hệ thống điều khiển.

Thứ hai là việc chuyển đổi đòi hỏi triển khai đồng bộ quy hoạch điện từ trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu, chiến lược xây dựng hạ tầng sạc điện cung cấp cho phương tiện xanh.

Thứ ba là hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ chế hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư để xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện, phục vụ quá trình chuyển đổi xe buýt xanh.

Đề cập thêm về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội chỉ ra thực tế, việc tiếp cận lãi vay của doanh nghiệp còn hạn chế.

“Tôi được biết, cho đến nay mới chỉ có 1 - 2 doanh nghiệp nộp hồ sơ và cũng chưa được sở, ngành hướng dẫn cụ thể. Tôi cũng được biết trong quỹ đầu tư của thành phố có hợp phần đầu tư cho phát triển vận tải công cộng. Doanh nghiệp rất cần thông tin cơ quan chức năng để tiếp cận sự hỗ trợ này một cách dễ dàng. Để chính sách vào cuộc sống, chúng tôi mong cơ quan chức năng có thông tin hướng dẫn doanh nghiệp”, ông Hải nói.

xe-buyt-dien-cua-vinbus.jpeg
Chủ trương "xanh hóa" xe buýt của Hà Nội gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng các kịch bản với lộ trình phù hợp

Để có cơ sở triển khai “xanh hóa” xe buýt, tại buổi tọa đàm, ông Phạm Đình Tiến cho biết, giữa tháng 11-2023 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện hạng lớn. HPTC cũng đã đề xuất triển khai xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện trung bình và hạng nhỏ. Đối với hỗ trợ lãi suất, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang hoàn tất các thủ tục để trình UBND thành phố xem xét.

Về lộ trình chuyển đổi, thành phố đã phân ra các giai đoạn, lộ trình phù hợp với nguồn lực để bảo đảm tính khả thi cao nhất là phục vụ hành khách, ổn định hoạt động của doanh nghiệp. Khi xây dựng kế hoạch, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tính toán, làm việc với các sở, ban, ngành để đưa ra các kịch bản với các mức khác nhau.

Trong đó, kịch bản cao là 100% chuyển sang buýt điện. Kịch bản thấp hơn có 70% buýt điện và 30% các phương tiện sử dụng các nguồn năng lượng sạch như CNG, LNG. Kịch bản thấp là 50% buýt điện và 50% sử dụng nhiên liệu CNG, LNG. Tương ứng mỗi kịch bản có những nguồn lực khác nhau.

"HPTC cũng sẽ xây dựng kế hoạch chuyển đổi của từng năm để thông báo các đơn vị vận hành biết, chuẩn bị. Chúng tôi sẽ vẫn bám sát mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2035, khoảng 90% tổng phương tiện xe buýt trên địa bàn Thủ đô sẽ chuyển sang năng lượng sạch", ông Tiến thông tin.

Liên quan đến vấn đề nguồn điện và trạm sạc, đại diện HPTC cho biết, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã làm việc với Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan để khảo sát, tính toán nguồn cấp điện làm cơ sở cho lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh. Các thông tin trao đổi cho thấy, các đơn vị điện lực cũng đã có những giải pháp phục vụ trước mắt cho kế hoạch chuyển đổi đến năm 2030.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội làm gì để "xanh hóa" xe buýt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.