Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Xanh hóa” xe buýt: Bảo đảm tính khả thi và có lộ trình phù hợp

Tuấn Lương| 27/05/2023 06:21

(HNM) - “Thành phố kiên quyết, kiên trì mục tiêu tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng và đang khẩn trương rà soát, lập quy hoạch mạng lưới xe buýt. Lộ trình triển khai chủ trương chuyển đổi năng lượng xanh sẽ bám sát quy hoạch này. Quyết tâm nhưng phải bảo đảm tính khả thi và có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị. Nhà nước luôn chia sẻ khó khăn với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp”, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

Việc chuyển đổi xe buýt chạy dầu diesel sang năng lượng sạch cần có lộ trình phù hợp. Ảnh: Tuấn Lương

Nỗ lực “xanh hóa” xe buýt

Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, toàn thành phố hiện có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.034 xe, trong đó 277 xe (chiếm 13,6% tổng số đoàn phương tiện) sử dụng nhiên liệu sạch (xe buýt điện là 138 xe của Công ty TNHH Vận tải sinh thái Vinbus vận hành trên 9 tuyến và 139 xe sử dụng khí CNG của Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến). Cùng với đó là 1.248 xe buýt chạy dầu diesel đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 có tuổi đời phương tiện khoảng 4 năm.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết: “Tỷ lệ 13,6% xe buýt sử dụng năng lượng xanh là sự nỗ lực của cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, các tuyến buýt điện do Vinbus vận hành còn là những tuyến buýt điện đầu tiên của Đông Nam Á. Như vậy, Hà Nội đã đi trước so với kế hoạch trong Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành Giao thông - Vận tải”.

Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Phan Lê Bình cho rằng, việc Hà Nội đưa xe buýt điện vào khai thác là một bước thay đổi đột phá, cách mạng trong đội xe buýt phục vụ nhân dân. Việt Nam đi đầu ở Đông Nam Á trong việc phát triển xe buýt điện. Các nước cùng mức độ phát triển với Việt Nam như Malaysia, Indonesia nhưng việc triển khai hệ thống xe buýt chạy điện chưa nhiều. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho hệ thống xe buýt ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Tổng Giám đốc Vinbus Nguyễn Công Nhật chia sẻ: “Khi chúng tôi mới đưa các tuyến buýt điện vào vận hành, ban đầu có nhiều ý kiến lo lắng, nghi ngại, từ năng lượng đến lộ trình… Sau hơn 1 năm hoạt động, các tuyến buýt điện được đông đảo người dân ủng hộ, đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe, tiếp viên. Từ người ngồi trong xe cho tới đi đường đều cảm thấy đỡ mùi xăng xe, không thấy khói bụi, thân thiện với môi trường. Hằng quý, Vinbus đều khảo sát sự hài lòng của khách hàng đối với hoạt động buýt của đơn vị. Trong lần khảo sát mới nhất (quý I-2023), có tới 90% khách hàng được khảo sát chấm điểm 9, điểm 10 về chất lượng dịch vụ”.

Đoàn công tác của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội khảo sát tại khu điều hành của Vinbus tại quận Nam Từ Liêm.

Đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh những kết quả bước đầu, nỗ lực “xanh hóa” xe buýt của Thủ đô đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Nguyễn Công Nhật phân tích, chi phí đầu tư phương tiện khoảng 7,4 tỷ đồng/xe, gấp từ 3 đến 3,5 lần so với xe buýt chạy dầu diesel, trong khi không có chính sách hỗ trợ lãi vay nên doanh nghiệp phải chịu chi phí lãi vay ngân hàng cao, tương đương với chi phí khấu hao phương tiện. Nếu doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính thì sẽ khó duy trì. Từ đó, Vinbus đề xuất Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội sớm ban hành đơn giá định mức xe buýt điện; tham mưu với thành phố có chính sách hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch theo Nghị quyết số 07/NQ-HĐND thành phố Hà Nội.

Quá trình chuyển đổi xe buýt từ chạy dầu diesel sang xe buýt năng lượng sạch cũng cần phải có lộ trình phù hợp và có tính kế thừa để các doanh nghiệp có thể tận dụng và khấu hao tài sản đang có.

Cùng với chi phí đầu tư cao thì nguồn điện cũng đang là khó khăn lớn đối với việc chuyển đổi xe buýt điện. Theo tính toán, các trạm nạp điện xe buýt phải có phụ tải lớn (trạm nạp công suất 120KW), nhu cầu tối thiểu khoảng 1.000KVA/tuyến với số lượng khoảng 12-13 xe buýt. Để chuyển đổi trên 1.700 xe buýt chạy dầu diesel hiện nay sang xe buýt điện cần tối thiểu khoảng 142.000KVA. Do đó, đơn vị điện lực khu vực cần hỗ trợ cung cấp nguồn điện bảo đảm công suất và an toàn cho nhu cầu sạc điện phục vụ xe buýt.

Trước những khó khăn này, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, thành phố kiên quyết, kiên trì mục tiêu tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng và đang khẩn trương rà soát, lập quy hoạch mạng lưới xe buýt. Lộ trình triển khai chủ trương chuyển đổi năng lượng xanh sẽ bám sát quy hoạch này và bám vào quy hoạch điện của Tổng công ty Điện lực Hà Nội bởi việc phát triển xe buýt điện còn phụ thuộc nhiều vào nguồn điện. Quyết tâm nhưng phải bảo đảm tính khả thi và có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị. Thành phố chia sẻ khó khăn với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để có những cơ chế, chính sách phù hợp, vướng đâu gỡ đó. Cái gì thuộc thẩm quyền của Sở phải nghiên cứu giải quyết ngay. Cái gì vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND thành phố xem xét.

“Ngay trong năm 2023 phải hoàn thành dự thảo về đơn giá định mức cho xe buýt báo cáo UBND thành phố xem xét, phê duyệt để triển khai ngay trong năm 2024. Mấu chốt là phải bảo đảm chặt chẽ, tính đúng, tính đủ để không làm thất thoát ngân sách nhà nước, vừa không triệt tiêu khả năng tham gia của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Phi Thường yêu cầu.

Một số nguyên tắc chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng xanh

Đối với các tuyến buýt đến năm 2025 hết hạn thầu, nếu xe hoạt động trên 10 năm phải thay xe mới sử dụng năng lượng xanh; nếu xe hoạt động từ 10 năm trở xuống, được phép sử dụng tối đa 10 năm, sau đó thay xe sử dụng năng lượng xanh.

Đối với các tuyến buýt hết hạn thầu đến năm 2025 trở đi, nếu xe hoạt động trên 10 năm trở xuống được phép hoạt động tối đa đến 10 năm, sau đó thay mới phương tiện sử dụng năng lượng xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Xanh hóa” xe buýt: Bảo đảm tính khả thi và có lộ trình phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.