Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội khống chế thành công bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Ngọc Quỳnh| 06/03/2020 07:22

(HNM) - Sau hơn một năm ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), nhờ sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị trong thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, Hà Nội đã khống chế thành công bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng.

Phun thuốc khử trùng diệt khuẩn, biện pháp ngăn chặn hữu hiệu bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Lê Tuấn

100% xã, phường của Hà Nội đã hết bệnh dịch

- Vượt qua rất nhiều khó khăn, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp và chưa có vắc xin phòng bệnh, Hà Nội đã khống chế thành công bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Ông có thể thông tin thêm về kết quả này?

- Sau hơn một năm xuất hiện ổ dịch đầu tiên, hậu quả của bệnh Dịch tả lợn châu Phi để lại cho ngành chăn nuôi Hà Nội rất lớn, gần như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị phá sản. Lũy kế từ ngày đầu tiên xuất hiện (24-2-2019) đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 33.006 hộ chăn nuôi thuộc 449 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 543.878 con với tổng trọng lượng 37.160 tấn. Vào các tháng cao điểm của dịch (tháng 5 và 6 năm 2019), có ngày Hà Nội tiêu hủy tới 8.000-9.000 con lợn. Tổng đàn lợn từ hơn 1,8 triệu con nay giảm xuống còn gần 1,3 triệu con. Tuy nhiên, từ tháng 7-2019, bệnh Dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng giảm dần.

Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố chỉ ghi nhận 13 hộ có lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 71 con với tổng trọng lượng 5.589kg. Đến thời điểm này, 100% số xã, phường trên địa bàn thành phố có bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh trở lại kể từ ngày tiêu hủy cuối cùng (26-1-2020) tại xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì).

- Để có kết quả tích cực trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Hà Nội đã thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

- Việc khống chế được bệnh Dịch tả lợn châu Phi trước hết nhờ thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch. Ngay khi ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), ngày 22-2-2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có Công điện khẩn cấp số 08/CĐ-UBND, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tiếp đó, Sở NN&PTNT Hà Nội tích cực phối hợp với huyện Thanh Oai tổ chức diễn tập thực hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn châu Phi”.

Cùng với đó, trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Hà Nội đã thực hiện tốt phương châm “5 không” (không giấu dịch; không mua bán lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý)... Vì vậy, khi ổ dịch xuất hiện, ngay lập tức được chính quyền địa phương khoanh vùng, dập dịch tại chỗ và tiêu hủy theo quy định, không để lây lan diện rộng.

Một trong những giải pháp quan trọng là Hà Nội thực hiện nhanh, kịp thời việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi khi có lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, đã có hơn 90% số hộ có lợn mắc bệnh được các ngành chức năng chi trả tiền hỗ trợ. Việc này không chỉ góp phần bù đắp thiệt hại cho người dân khi có lợn mắc bệnh mà còn là giải pháp quan trọng để người dân không giấu dịch.

Chủ động phòng bệnh dịch

- Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế nhưng nguy cơ bùng phát bệnh dịch trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn. Vậy, ông có thể nêu những nguyên nhân chủ yếu?

- Trung bình, mỗi tháng, Hà Nội tiêu thụ khoảng 18.594 tấn thịt lợn nên hiện nay việc vận chuyển lưu thông lợn trên địa bàn rất lớn; trong khi đó, việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; vi rút bệnh Dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ngoài môi trường. Hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn còn khoảng 800 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quản lý. Ngoài ra, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng, sử dụng thức ăn dư thừa nên nguy cơ bùng phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn có thể xảy ra.

- Để kiểm soát bệnh Dịch tả lợn châu Phi, ổn định tình hình chăn nuôi trên địa bàn, ngành Nông nghiệp có những giải pháp gì, thưa ông?

- Thời điểm này, bệnh Dịch tả lợn châu Phi được khống chế thành công, ngành Nông nghiệp tập trung hướng dẫn người dân tổng vệ sinh, tiêu độc môi trường, tái đàn chăn nuôi lợn để ổn định tình hình chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Theo đó, các địa phương tăng cường kiểm tra cơ sở trong việc tái đàn lợn bảo đảm theo hướng an toàn sinh học; những hộ chăn nuôi khi nhập giống về nuôi phải khai báo nguồn gốc xuất xứ.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kịp thời phát hiện các ổ dịch. Ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư triển khai xây dựng một số cơ sở giết mổ tập trung; duy trì hoạt động chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông nhằm kiểm soát việc vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn ra, vào trên địa bàn thành phố với phương châm “Phòng bệnh là chính”.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội khống chế thành công bệnh Dịch tả lợn châu Phi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.