Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội hướng đến “chính quyền đô thị”

Võ Lâm| 08/12/2011 07:01

(HNM) - Không chỉ riêng Đà Nẵng mong muốn xây dựng bộ máy quản lý ngày càng hiệu quả, hiệu lực hơn trong bối cảnh đô thị đang nảy sinh ngày càng nhiều vấn đề phức tạp, từ kinh nghiệm của Đà Nẵng, Hà Nội cũng đang hướng đến hình thành


Tăng quyền hạn, tăng trách nhiệm

Nghị quyết số 17-NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ 5 BCH TƯ Đảng khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước đã đề ra yêu cầu thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nhằm "tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ những khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị". Đây là cơ sở để Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về mô hình chính quyền đô thị.


Hướng tới xây dựng chính quyền đô thị là nhu cầu thực sự của các đô thị hiện đại.    Ảnh: Trà My

Với quy mô đô thị nhỏ, có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và quản lý, TP Đà Nẵng đã tập trung nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị từ năm 2008. Mới đây nhất, trong chương trình tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 từ ngày 29-11 đến 3-12, TP Đà Nẵng đã thảo luận về chính quyền đô thị với những đề xuất tương đối hoàn chỉnh về mô hình này. Có 5 điểm nổi bật trong mô hình mà Đà Nẵng nhắm tới là đổi tên UBND thành Ủy ban hành chính (UBHC), chức danh Chủ tịch UBND TP thành thị trưởng, không tổ chức HĐND cấp trung gian quận, huyện; cấp TP quyết ngân sách (bớt 2 cấp ngân sách) và HĐND TP cùng HĐND cấp phường, xã có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chủ tịch UBHC cùng cấp.

Đối với cấp quận, huyện không tổ chức HĐND, vai trò giám sát được thay thế bằng hoạt động giám sát của đại biểu HĐND theo địa bàn cùng với việc tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp, tự quản, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia thường xuyên vào quá trình quản lý đô thị. Chính quyền đô thị sẽ được tổ chức gọn nhẹ, ưu tiên tập trung điều hành thống nhất trên phạm vi toàn địa bàn. Đại diện TP Đà Nẵng cho biết, mô hình này cũng tăng cường chế độ thủ trưởng, qua đó người đứng đầu có quyền tự quyết nhiều vấn đề nhân sự, tiền bạc, nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm lớn hơn về kết quả công việc. Trong khi đó, các ngành, cơ quan chuyên môn sẽ hoạt động theo ngành dọc, bảo đảm tính bao quát, tổng hợp, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực… Tóm lại, đây là mô hình tổ chức quản lý nhà nước ở đô thị mang tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hơn, với bộ máy gọn nhẹ, tăng quyền hạn và nâng cao trách nhiệm công vụ.

Mô hình UBHC mà Đà Nẵng đang muốn xây dựng được cho là đã từng có ở nước ta trong giai đoạn 1946-1959. Nhưng để mô hình trên lý thuyết đi vào thực tế đời sống một cách hiệu quả là cả quá trình kiên trì và dũng cảm.

Nhu cầu thật sự

Chưa thể nói mô hình chính quyền đô thị mà Đà Nẵng đang xây dựng sẽ hiệu quả nếu được vận dụng tại Hà Nội. Nhưng điều dễ dàng nhận thấy là bộ máy quản lý đô thị hiện nay có rất nhiều bất cập. Trước hết là cách thức tổ chức các cấp rập khuôn, thiếu cơ động, thậm chí không có sự khác biệt giữa chính quyền quản lý khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Sự mất cân đối giữa khối lượng công việc và lực lượng công chức được bố trí nơi thừa nơi thiếu phổ biến cũng là một minh chứng cho thấy hạn chế của công tác quản lý đô thị hiện nay. Những huyện như Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm hay Hoài Đức, Thường Tín của Hà Nội thực tế đã trở thành đô thị, nhưng bộ máy quản lý nhà nước vẫn giữ mô hình tương ứng của một huyện ngoại thành: Số lượng người không đủ đáp ứng, chưa kể chất lượng và công tác phối hợp, cách thức tổ chức, quản lý… "Công việc quá nhiều, muốn tăng người làm phải trình lên trình xuống mà chưa chắc thành công. Hỏng một bóng đèn, xuất hiện ổ gà trên đường cơ quan này chờ đơn vị kia, đến khi xác định ai phải làm thì cũng phải trình lên trình xuống mới sửa được" - lãnh đạo một quận nội thành Hà Nội ca thán về cách thức vận hành bộ máy quản lý đô thị hiện nay.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo từng mong muốn rằng, chủ tịch phường có thể chủ động quán xuyến mọi việc trên địa bàn, có vấn đề gì nảy sinh là nắm bắt được ngay và giải quyết kịp thời; không để tình trạng đường hỏng đợi mãi không ai chịu sửa như hiện nay. Hà Nội cũng cho rằng, hướng tới xây dựng chính quyền đô thị là nhu cầu thật sự, nếu không muốn nói là tất yếu của các đô thị hiện đại.

Có thể nói, nhu cầu đổi mới bộ máy quản lý nhà nước ở đô thị hiện nay là rất cần thiết. Đối với Đà Nẵng, việc chuyển từ bộ máy hiện hành sang chính quyền đô thị như dự định có phần thuận lợi hơn hẳn Hà Nội. Đà Nẵng chỉ có diện tích bằng khoảng 1.200km2 và dân số khoảng một triệu người, trong khi Hà Nội gấp 3 về diện tích, dân số cả thường trú lẫn tạm trú có thể lên đến 10 triệu người. Quy mô của một đại đô thị như Hà Nội không dễ chuyển đổi sang mô hình chính quyền đô thị một cách dễ dàng ngay cả khi việc này được chấp thuận, chưa kể thực tế mô hình này vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, tiến tới thí điểm. Tuy nhiên, không vì thế mà Hà Nội đứng ngoài cuộc; phải chăng đã đến lúc Hà Nội bắt tay vào nghiên cứu thật sự về mô hình chính quyền đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội hướng đến “chính quyền đô thị”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.