(HNMO) - Ngày 20-5, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Bùi Tuấn Dương, Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Tây Hồ cho biết, trong thời gian từ ngày 24-4 đến ngày 16-5-2023, Ban Quản lý dự án quận Tây Hồ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp, hoàn thành tháo dỡ, di dời các phương tiện thủy cũ nát ra khỏi hồ Tây.
Đối với 2 phương tiện (Nàng Tiên cá - Taboo, Nàng Tiên cá 02) của Công ty cổ phần Nhà nổi Hồ Tây, các đơn vị liên quan đã lai dắt về khu vực tháo dỡ (cuối phố Nhật Chiêu); xử lý hệ thống phao (có ngấm dầu) quanh khu vực bơm nước ra hồ Tây; tháo dỡ các phần, cắt nhỏ các kết cấu sàn, thu gom phế thải cẩu lên bờ chuyển về bãi tập kết… Toàn bộ việc xử lý, di dời các phương tiện thủy cũ nát đã được các đơn vị kết thúc vào cuối ngày 16-5, trả lại cảnh quan cho hồ Tây.
“Đến thời điểm hiện tại, quận Tây Hồ đã hoàn thành việc di dời các phương tiện thủy cũ nát ra khỏi hồ Tây theo đúng thông báo của UBND thành phố Hà Nội về việc chấm dứt toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong phạm vi quản lý hồ Tây”, Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Tây Hồ Bùi Tuấn Dương cho biết.
Theo ông Dương, thời gian vừa qua, UBND quận Tây Hồ đã chủ động chủ trì phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện thông báo của UBND thành phố Hà Nội.
Tính đến trước ngày 27-4-2023, quận đã di dời 143/147 phương tiện thủy ra khỏi hồ Tây. Đối với 4 phương tiện còn lại, quận cũng đã xử lý triệt để và đến thời điểm hiện tại, trên hồ Tây hiện chỉ còn một tàu có tên Potomac là tài sản thi hành án của Ngân hàng TMCP Quốc dân.
“Cơ quan thi hành án dân sự đang khẩn trương thực hiện các quy trình để tổ chức đấu giá tài sản, dự kiến vào cuối tháng 6-2023. Ngay sau khi đấu giá xong, cơ quan thi hành án dân sự sẽ đôn đốc đơn vị trúng đấu giá thực hiện tháo dỡ trong nửa đầu tháng 7-2023, quyết tâm di dời tàu sớm nhất, trả lại cảnh quan cho hồ Tây”, ông Dương cho biết thêm.
Sau khi hoàn thành việc di dời tàu thuyền theo chỉ đạo của thành phố, quận Tây Hồ tiếp tục triển khai loạt giải pháp để bảo đảm môi trường nước, như lên phương án nạo vét bùn lòng hồ, sục khí, thả bè thủy sinh... để từng bước làm sạch nước hồ.
Quận cũng chủ động nghiên cứu chỉnh trang hạ tầng quanh hồ như bố trí đèn điện chiếu sáng, đèn trang trí, cải tạo đường dạo, vườn hoa quanh hồ.
“Về mục tiêu dài hạn, UBND quận Tây Hồ đang tiếp tục hoàn thiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận. Nội dung của đề án bao gồm việc thực hiện quy hoạch, quản lý hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; quản lý không gian chức năng; làm rõ các hạng mục kinh doanh dịch vụ, thể thao, du lịch được khai thác, theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Thông báo 184/TP-VPUBND ngày 27-4-2023”, ông Dương chia sẻ.
Tại Thông báo 184/TP-VPUBND, thành phố đã giao UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan; cùng phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam... để xin ý kiến chuyên môn, phản biện. Đề án dự kiến được UBND quận Tây Hồ báo cáo thành phố trong quý II-2023, làm cơ sở để quản lý và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của hồ Tây, góp phần xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa theo đúng định hướng phát triển đã được Bộ Chính trị (khóa XIII) đặt ra tại Nghị quyết số 15/NQ-TƯ nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.