Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp xuất khẩu

Anh Minh| 22/02/2014 07:07

(HNM) - Xuất khẩu đã được xác định là mục tiêu hàng đầu trong năm 2014, tuy nhiên đây không phải là việc dễ dàng với Hà Nội trong bối cảnh kết quả xuất khẩu của Thủ đô những năm gần đây chưa có sự bứt phá.

Thách thức và cơ hội

Đến nay, một số đối tác nhập khẩu lớn của DN Hà Nội tuy đang dần hồi phục nhưng tốc độ phát triển chưa mấy khả quan. Việc tăng giá một số nguyên, nhiên liệu đầu vào làm tăng chi phí sản xuất, từ đó làm đội giá thành sản phẩm, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trên địa bàn. Đáng lưu ý, để mở rộng quy mô sản xuất, ngày càng có nhiều DN Hà Nội phải tìm hướng thuê đất lập xưởng tại những tỉnh lân cận để có đủ diện tích cũng như giá thuê rẻ hơn. Hiện giá thuê đất có sẵn hạ tầng tại khu công nghiệp (KCN) thuộc địa bàn Hà Nội cao gấp 2 lần so với KCN ở các tỉnh bạn, hạn chế việc thu hút DN đầu tư vào Hà Nội. Mặt khác, Hà Nội chưa có mặt hàng chủ lực độc đáo, đạt kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD như Bắc Ninh, Thái Nguyên nên không thể bứt phá mạnh về kết quả xuất khẩu. Quỹ đất trên địa bàn Thủ đô đang dần cạn cũng phần nào hạn chế khả năng cung ứng mặt bằng cho các nhà đầu tư mới. Hơn nữa, các địa phương lân cận đang chạy đua quyết liệt trong cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh: xúc tiến, ưu đãi đầu tư bằng nhiều biện pháp đang đẩy cuộc đua "gọi" vốn đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu lên mức cao hơn.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Viết Thành



Năm 2014 là năm đánh dấu sự hồi phục bước đầu của nền kinh tế thế giới, từ đó đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Mức cầu nhìn chung sẽ tăng khá và diễn ra tại hầu hết thị trường, khu vực trên phạm vi toàn cầu. Từ đó, hàng Việt nói chung, hàng xuất khẩu của Hà Nội nói riêng sẽ có cơ hội hiện diện, đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Theo Bộ Công thương, một số hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và đối tác như Việt Nam - Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Việt Nam với Nga, Belarus, Kazakstan… dự kiến sẽ sớm được đàm phán xong, tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp (DN) "nội" xuất khẩu sang những thị trường này. Hơn thế, mức thuế nhập khẩu vào các thị trường này sẽ giảm đáng kể, giúp nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt nói chung. Các chuyên gia nhận định, những thị trường trên vừa hấp dẫn, lại không đòi hỏi quá cao về chất lượng hàng hóa, nên sẽ là địa chỉ đáng quan tâm của DN trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của DN Hà Nội cũng được bổ sung một phần do các đơn vị tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, trang bị thêm dây chuyền sản xuất hiện đại, lại được hưởng sự hỗ trợ của cơ quan chức năng về xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, vay vốn, hỗ trợ lãi suất theo các quyết định của thành phố đã ban hành trong năm 2011, 2012. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu hàng dệt may đang có xu hướng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam trong khi DN từ một số nước Nam Mỹ và Canada có ý định gia tăng liên kết, lập cơ sở sản xuất tại Hà Nội để tận dụng cơ hội từ những hiệp định thương mại sẽ ký của Việt Nam.

Những giải pháp xử lý cụ thể

Xuất phát từ những thực tế trên và để đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên địa bàn 6-7% so với năm ngoái, thành phố Hà Nội đưa ra một số biện pháp quyết liệt, kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan, cộng đồng DN ngay từ đầu năm. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay, với lãi suất hợp lý. Thành phố cũng tăng cường công tác quản lý các KCN kết hợp ưu tiên thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tăng tỷ lệ, hàm lượng chế biến trong mỗi sản phẩm xuất khẩu. Trong năm nay, thành phố sẽ tổ chức một số sự kiện gặp gỡ, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, tiềm năng hàng hóa trên địa bàn và tạo điều kiện để DN đối thoại với các nhà nhập khẩu; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đón các đoàn DN các nước, cung cấp thông tin, in ấn một số ấn phẩm giới thiệu hàng xuất khẩu; đồng thời chỉ đạo Sở Công thương chủ động triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực như cơ khí, nhựa, điện - điện tử để gia tăng xuất khẩu…

Được biết, ngay những ngày đầu xuân Giáp Ngọ, lãnh đạo thành phố đã thị sát tình hình tại KCN hỗ trợ Nam Hà Nội - nơi có quá trình đầu tư khá bài bản, thể hiện khả năng thu hút nhiều DN vào đầu tư theo hướng đồng bộ; trong đó hướng tới DN công nghệ cao, đủ sức chế tạo linh kiện phục vụ hoạt động lắp ráp sản phẩm máy móc, thiết bị cho xuất khẩu. Hiện, thành phố đang chắp mối cho KCN này cũng như những KCN khác trong việc thu hút DN nước ngoài, nhất là DN Nhật Bản vào đầu tư, sản xuất sản phẩm xuất khẩu. UBND thành phố cũng chỉ đạo Cục Hải quan thành phố nâng cấp phần mềm quản lý, tiếp tục rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, trợ giúp DN tối đa khi thực hiện thủ tục xuất khẩu; làm chủ các trang thiết bị hiện đại và ứng dụng hải quan điện tử. Lãnh đạo thành phố cũng sẽ duy trì các buổi làm việc, nhất là đối thoại với DN về những vấn đề liên quan; kể cả làm việc theo từng chuyên đề để nắm bắt thực tế, tháo gỡ khó khăn nảy sinh đối với các đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.