Nông nghiệp

Hà Nội hỗ trợ phát triển vùng nông nghiệp an toàn

Quỳnh Dung 16/10/2023 - 07:35

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung, quy mô lớn về sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết. Hoạt động này nhằm nâng cao giá trị nông sản, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thực phẩm bán trên thị trường.

vung-tr-ng-rau-an-toan-t-p-.jpg
Vùng trồng rau an toàn tập trung ở xã Cộng Hòa (Quốc Oai) bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Hương Giang

Duy trì và mở rộng vùng sản xuất an toàn

Hiện tại, việc xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong vấn đề truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Trong 9 tháng năm 2023, các đơn vị của ngành Nông nghiệp hỗ trợ triển khai 58 mô hình, cơ sở sản xuất nông nghiệp an toàn, như: Sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, thành phố duy trì, vận hành 49 mô hình áp dụng hệ thống bảo đảm, có sự tham gia của các bên trong sản xuất rau an toàn.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi cho biết, để kiểm soát chất lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường, ngoài xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, trong 9 tháng của năm 2023, Chi cục hỗ trợ 95 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản áp dụng và được cấp chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP và 45 cơ sở được hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Cùng với đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng 159 chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, thu hút nhiều doanh nghiệp và nông dân tham gia, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, nhằm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm các mặt hàng nông sản, thực phẩm, huyện đã hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, như: Vùng sản xuất lúa 6.714ha ở các xã Sài Sơn, Thạch Thán, Ngọc Liệp, Đông Yên...; vùng sản xuất rau màu 680ha, sản lượng hằng năm cung cấp ra thị trường 400-450 tấn/năm. Trong đó, vùng trồng rau an toàn 35ha ở xã Yên Sơn, Nghĩa Hương, Cộng Hòa; vùng trồng cây ăn quả 1.287ha, chủ yếu là nhãn chín muộn, bưởi Diễn; vùng chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản ở các xã Cấn Hữu, Hòa Thạch, Đông Yên... Bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, huyện đã hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất theo hướng an toàn.

Tăng cường công tác giám sát chất lượng

Hiện việc quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, số lượng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ chưa nhiều. Việc triển khai quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố còn chậm. Công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh ở một số địa phương chưa được chú trọng. Việc triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất là hướng đi bền vững nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa hạn chế. Tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp.

Nhằm giám sát chất lượng nông sản trên thị trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, thời gian tới, huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, gắn với phát triển du lịch sinh thái. Chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất thịt sạch, rau sạch,… bảo đảm an toàn thực phẩm ở xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Đại Áng. Cùng với đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, nhất là tại các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ; quản lý, phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố. Định hướng chính là mở rộng tổ chức sản xuất tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm trong giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Cùng với đó, cơ quan chức năng và địa phương sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức lấy mẫu thực phẩm, vật tư nông nghiệp để giám sát chất lượng và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật; phối hợp với các cấp chính quyền trong công tác quản lý giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các xã, phường, thị trấn cần tăng cường công tác quản lý, tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại, cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc địa bàn quản lý, từng bước đưa việc quản lý an toàn thực phẩm từ gốc đi vào nền nếp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội hỗ trợ phát triển vùng nông nghiệp an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.