Nông nghiệp

Huyện Sóc Sơn: “Trái ngọt” từ các vùng sản xuất an toàn

Sơn Tùng 28/09/2023 - 08:09

Sóc Sơn là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhiều gò đồi, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số. Thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn đã bền bỉ xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP… giúp nông sản của huyện được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, đánh giá cao, qua đó giúp cải thiện thu nhập của người dân địa phương.

cham-soc-cay-dua-luoi-.jpg
Chăm sóc cây dưa lưới tại Hợp tác xã Công nghệ cao Quyết Tiến (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Đỗ Tâm

Hợp tác xã điểm về rau hữu cơ

Mô hình sản xuất của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân là một trong những điển hình về cách làm nông nghiệp hữu cơ bài bản.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân Hoàng Thị Hậu thông tin, năm 2013, hợp tác xã đã tập hợp được một số nông dân với những mảnh vườn nhỏ lẻ gia nhập. Đến nay, đơn vị đã trở thành một trong những hợp tác xã có quy mô, bề dày kinh nghiệm sản xuất nông sản hữu cơ của thành phố, với 37ha rau hữu cơ được chứng nhận chất lượng.

Còn bà Cao Thị Liên, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân chia sẻ, làm rau hữu cơ tốn công sức, vì phải tuân thủ nguyên tắc "năm không": Không phân hóa học; không giống biến đổi gen; không chất kích thích sinh trưởng; không thuốc diệt cỏ và không thuốc trừ sâu hóa học. Nông dân tự ủ phân hữu cơ từ các loại phân gia súc, gia cầm, phế phụ phẩm nông nghiệp trong ít nhất 3 tháng cho sạch hết ký sinh trùng, rồi mới bón cho rau. Nông dân cũng tự chế thuốc trừ sâu từ các loại thảo mộc, gia vị như tỏi, ớt, gừng giã nhỏ, ngâm rượu, rồi phun hoặc dùng phương pháp bắt thủ công hay bẫy dính. Ngay cả nước tưới, đất canh tác cũng được xét nghiệm định kỳ để bảo đảm không bị nhiễm hóa chất độc, cũng như các kim loại nặng gây hại cho sức khỏe con người.

Ngoài ra, còn có sự kiểm tra, giám sát của nông dân, thành viên hợp tác xã cũng như của chính cán bộ kỹ thuật trong việc tuân thủ quy trình sản xuất. Xã Thanh Xuân phân làm nhiều nhóm sản xuất, mỗi nhóm lại thành lập ra Ban Thanh tra với 3 thanh tra viên là những người đã được tập huấn các kỹ năng và nghiệp vụ. Họ thường xuyên kiểm tra chéo nhau trên ruộng đồng để có thể kịp thời xử lý vướng mắc, biết được việc tuân thủ quy trình kỹ thuật đúng hay là sai. Tùy theo mức độ vi phạm, nhóm hay cá nhân nông dân đó sẽ bị xử lý theo quy định, như bị treo chứng chỉ, không được bao tiêu rau hoặc phạt bằng tiền, thậm chí nặng sẽ bị cấm tham gia sản xuất.

Lan tỏa nhiều mô hình sản xuất

Từ thành công của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn đã nhân rộng ra nhiều mô hình sản xuất, như trồng sen, hoa nhài, dược liệu… Tiêu biểu là Hợp tác xã Tâm Ngọc (xã Đông Xuân), Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (xã Bắc Sơn); Hợp tác xã Công nghệ cao Quyết Tiến (xã Minh Trí)...

Các hợp tác xã này đều đẩy mạnh sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, với hệ thống nhà màng, hệ thống tưới tiêu, đo nhiệt độ tự động. Hệ thống nhà màng đều có camera, hệ thống quạt làm mát và phần mềm cài đặt lịch tưới cụ thể theo từng giống cây. Tùy đặc điểm của từng hợp tác xã mà chọn bộ tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay theo tiêu chuẩn hữu cơ TCVN 1104.

Còn Hợp tác xã Dược liệu Hòa Phát (xã Xuân Giang) đang phát triển 12ha chè, dây thìa canh, kim ngân, cà gai leo. Nhờ chọn giống thuần chủng, cơ giới hóa khâu sản xuất và ứng dụng kỹ thuật thâm canh theo hướng hữu cơ, vùng dược liệu của hợp tác xã đã được cấp chứng nhận chuyển đổi hữu cơ, đủ tiêu chuẩn chế biến các sản phẩm giá trị cao, như: Trà thảo mộc, trà ướp hoa, trà hoa, các loại thảo dược túi lọc tiện dụng, gối chườm… Cách làm này mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với canh tác truyền thống.

Có thể thấy, các hợp tác xã, nông dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn, thời gian qua, đã không ngừng đầu tư công nghệ, đa dạng sản xuất, đầu tư chế biến sâu, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiệu quả của các mô hình sản xuất nông sản an toàn này đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân Sóc Sơn.

Hiện, thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đạt 61,5 triệu đồng/người/năm. Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang và tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 98%. Đặc biệt, đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo. Cùng với đó, các hợp tác xã này cũng đã và đang đóng góp tích cực vào công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, mở rộng đầu ra, phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, đến nay, huyện có 53 hợp tác xã chuyên ngành về nông nghiệp, thực phẩm; 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như chăn nuôi lợn sinh học, trồng nấm công nghệ cao… Huyện cũng có 76 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao.

Để các mô hình sản xuất nông sản an toàn phát triển bền vững, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ người dân, hợp tác xã hoàn thiện quy trình sản xuất, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Sóc Sơn: “Trái ngọt” từ các vùng sản xuất an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.