(HNM) - Tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2022, trong đó có nội dung liên quan đến thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Đây là việc làm đúng quy định, phù hợp thực tế nhằm giúp các đơn vị thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Cần thiết điều chỉnh biên chế
Trước đây, theo quy định của Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố”, số lượng chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường và công chức cấp xã làm việc tại 175 phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội là 2.750 người. Trên thực tế, số lượng chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, công chức phường có 2.445 người. So với định biên tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, thành phố Hà Nội còn thiếu 305 người (trong đó có 1 phó chủ tịch, 304 công chức).
Từ ngày 1-7-2021, 175 phường thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”, chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường được bầu, công chức ở phường tuyển dụng trước ngày 1-7-2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác. Biên chế chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng.
Triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ Hà Nội ban hành hướng dẫn về việc chuyển chủ tịch, phó chủ tịch, công chức phường thành công chức do UBND quận, thị xã quản lý. UBND 12 quận và thị xã Sơn Tây đã chuyển 2.440 người là chủ tịch, phó chủ tịch và công chức phường sang công chức quận và thị xã quản lý; đồng thời ban hành quyết định bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch kịp thời.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, về phương án biên chế công chức phường để thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, sau khi UBND thành phố xin ý kiến, Bộ Nội vụ đã có văn bản trả lời, đồng thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1575/QĐ-TTg ngày 22-9-2021 phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2022. Theo đó, giao 2.625 biên chế công chức để chuyển công chức phường tại các phường không tổ chức HĐND thành công chức quận ở thành phố Hà Nội.
Như vậy, từ ngày 1-7-2021, số cán bộ, công chức cấp xã của thành phố Hà Nội theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sẽ giảm 2.750 người và tăng 2.625 biên chế công chức do UBND quận, thị xã quản lý theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP. Biên chế công chức thực tế được chuyển giao từ số lượng người làm việc tại các phường sang biên chế công chức giảm 125 biên chế. Theo Nghị quyết vừa được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp thứ ba, toàn thành phố có 10.560 biên chế công chức bao gồm số lượng biên chế công chức giữ nguyên như năm 2021 là 7.935 biên chế và bổ sung biên chế công chức tại các phường theo mô hình thí điểm chính quyền đô thị là 2.625 biên chế. “Việc thành phố điều chỉnh biên chế là cần thiết và không làm tăng số lượng người làm việc tại địa phương”, bà Vũ Thu Hà khẳng định.
Quyết tâm thực hiện hiệu quả
Đồng tình cao việc điều chỉnh biên chế, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Bích Thủy cho rằng, việc giao biên chế như vậy có đủ căn cứ pháp lý và là cơ sở để các công chức yên tâm gắn bó làm việc lâu dài.
Ở góc độ địa phương, Trưởng phòng Nội vụ quận Ba Đình Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Theo chỉ tiêu, quận Ba Đình có 210 người chuyển thành công chức quận. Tổng số cán bộ, công chức có giảm hơn so với trước, song chúng tôi đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc. Kể từ ngày 1-7-2021 đến nay, việc triển khai các công việc khá suôn sẻ, bảo đảm chất lượng”.
Theo Trưởng ban Tổ chức Thị ủy - Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây Đỗ Thị Lan Hương, trên cơ sở số lượng biên chế được giao, HĐND thị xã tổ chức họp, giao chỉ tiêu biên chế. Theo đó, sẽ bảo đảm trung bình mỗi phường có 15 người theo đúng quy định (Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường, công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường và các công chức khác: Văn phòng - Thống kê, Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường, Tài chính - Kế toán, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hóa - Xã hội).
Tại kỳ họp thứ ba vừa qua, HĐND thành phố cũng đã thông qua chế độ hỗ trợ đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch UBND và công chức phường nghỉ công tác do thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ cho 25 người nghỉ công tác thuộc diện này là 450 triệu đồng, được bố trí từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương của ngân sách quận, thị xã.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Nội vụ quận Hoàng Mai Nguyễn Công Hiệp cho biết, trên địa bàn quận có 3 người nghỉ công tác với lý do trên và được hưởng chế độ do Nhà nước quy định, nay HĐND thành phố thông qua mức hỗ trợ như vậy cho thấy thành phố rất quan tâm đối với sự đóng góp của họ trong thời gian qua.
Chị Trần Thu Thủy, công chức bộ phận “một cửa” UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Từ công chức phường trở thành công chức quận, tôi hiểu rằng yêu cầu công việc trong giai đoạn mới sẽ nặng nề hơn, đòi hỏi mình phải nỗ lực hơn nữa”.
Việc thành phố Hà Nội kịp thời có những chính sách liên quan đến vấn đề này, nhất là công tác cán bộ giúp các đơn vị có cơ sở để triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần vào mục tiêu chung là xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.