Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Giảm áp lực khi học sinh thi vào lớp 10 tăng đột biến

Hoàng Lân| 29/05/2018 17:53

(HNMO) – Chiều 29-5, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề “nóng” như: Thi, xét tuyển các cấp; tăng học phí; bạo lực học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm học đường...


Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trả lời các câu hỏi của báo chí về kỳ thi tuyển sinh.


Sở GD-ĐT vẫn duy trì phương thức xét tuyển lớp 6

Trước câu hỏi về việc nhiều cha mẹ học sinh đổ xô cho con em học thêm để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi tuyển vào lớp 6 THCS nhưng sau đó Sở GD-ĐT lại thay đổi hình thức là xét tuyển khiến cho việc tuyển sinh THCS “nóng” hơn bao giờ hết, đại diện Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) khẳng định, Sở chưa bao giờ có văn bản có hướng dẫn tuyển sinh THCS bằng phương thức thi tuyển.

Đến giờ, Sở GD- ĐT vẫn hướng dẫn các trường thực hiện phương thức xét tuyển học bạ học sinh. Phương thức xét tuyển ở các cấp mầm non, tiểu học và THCS từ nhiều năm nay vẫn duy trì và chưa có gì thay đổi. Tuy nhiên, thực hiện Quy chế sửa đổi bổ sung của Bộ GD-ĐT về tuyển sinh THCS, THPT, năm nay, các trường THCS có số học sinh dự tuyển nhiều hơn so với chỉ tiêu thì có thể lựa chọn một trong hai phương thức: Xét tuyển học bạ hoặc kết hợp xét tuyển học bạ với kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Hiện Sở GD-ĐT đã hướng dẫn phòng giáo dục, các trường chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh, trong đó có phương thức tuyển sinh. Phương án tuyển sinh chính thức từng trường sẽ được công bố vào ngày 31-5.

Về vấn đề  số lượng học sinh thi vào lớp 10 tăng đột biến, gây áp lực căng thẳng cho các bậc phụ huynh và công tác tổ chức tuyển sinh, đại diện Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục thừa nhận, số học sinh thi THPT năm nay gần 109 nghìn học sinh, tăng hơn 22.000 học sinh so với năm ngoái đã gây không ít tâm lý lo lắng cho phụ huynh học sinh. Giải đáp vấn đề này, đại diện Sở GD-ĐT cho biết, để đáp ứng chỗ học cho học sinh THPT, Hà Nội đã thành lập mới 7 trường THPT, đầu tư 92 tỉ đồng để cải tạo trường THPT xuống cấp, cơ bản đáp ứng chỗ học cho học sinh THPT. 

Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cho biết, có nhiều hình thức mới trong kỳ thi tuyển sinh năm nay.


Ngoài ra, theo Sở GD-ĐT, một trong những điểm mới của công tác tuyển sinh năm nay tại Hà Nội là cho phép các trường THPT ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính được thực hiện tuyển sinh bằng cách xét tuyển học bạ. Vì vậy, những học sinh chỉ có nhu cầu học trường ngoài công lập hoặc trường công lập tự chủ tài chính không cần tham gia tuyển sinh vào lớp 10. Đến nay, số học sinh đăng ký thi  là 94.499 học sinh, đã giảm gần 10.000 học sinh, giảm áp lực đáng kể cho học sinh tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Chưa kể, Hà Nội có 712 cơ sở các trường THCS, THPT công lập đủ tiêu chuẩn làm điểm thi nhưng mới chỉ sử dụng đến 185 điểm, vì thế Sở GD-ĐT cam đoan, không có áp lực tổ chức thi THPT như nhiều phụ huynh lo lắng.

Học phí tăng đúng lộ trình


Trả lời các câu hỏi của báo giới xung quanh vấn đề tăng học phí, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở GD-ĐT và Sở Tài chính đã có tờ trình báo cáo TP Hà Nội về tăng học phí. Việc thực hiện tăng học phí sẽ dựa trên các nguyên tắc, đó là, phải phù hợp đời sống và thu nhập của người dân trên địa bàn (hiện mức học phí đề nghị tăng là 2%); việc thực hiện tăng sẽ theo lộ trình đến năm 2021 phải đảm bảo mức phí đạt mức trần của Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu quản lý học phí cơ sở giáo dục quốc dân. Theo đó, mức tăng dự kiến sẽ là 155.000 đ/tháng đối với học sinh thành thị, 75.000 đ/tháng đối với học sinh nông thôn và 19.000 đ/tháng đối với học sinh miền núi. Khi áp dụng việc tăng học phí thì Sở GD-ĐT sẽ mở rộng các đối tượng chính sách được giảm, miễn giảm.

Trước câu hỏi, tiền học phí sau khi được tăng dùng để làm gì? Ông Nguyễn Viết Cẩn cho biết, tiền học phí sau khi thu, các trường chỉ giữ lại 40% dùng cho việc cải cách tiền lương, 60% nộp vào ngân sách Thành phố. Số tiền ngân sách này sau đó cũng được đầu tư trở lại cho ngành giáo dục.

“Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, rà soát và thấy rằng, học phí hiện nay đối với học sinh ở Hà Nội so với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh lân cận không phải là cao. Vì thế, việc đề xuất tăng học phí lên 2% là hợp lý, có thể bảo đảm không ảnh hưởng đến đời sống và mức thu nhập của người dân hiện nay”, ông Cẩn khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Giảm áp lực khi học sinh thi vào lớp 10 tăng đột biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.