(HNMO) - UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt “Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2015”.
Theo Quyết định số 3853/QĐ-UBND, ngày 11/8, UBND TP nêu rõ vẫn duy trì thực hiện theo hình thức tạm ứng tiền từ quỹ dự trữ tài chính TP với lãi suất 0% để thực hiện dự trữ hàng hóa đối với các nhóm hàng thiết yếu có nhiều khả năng biến động mạnh về giá và lượng hàng hóa trong các thời điểm ngày lễ, tết âm lịch nhưng lượng tiền tạm ứng giảm 15% so với năm 2014.
Theo đó, về cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn (tính cho khoảng 9 triệu dân): Gạo tẻ, nhu cầu tiêu dùng khoảng 74.400 tấn/tháng. Năm 2014, sản lượng gạo sản xuất trên địa bàn đạt khoảng 763.000 tấn, tương đương khoảng 63.583 tấn/tháng (trong đó có 60% là gạo dùng để sản xuất chế biến các sản phẩm bún, bánh, rượu). Nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn TP chủ yếu tập trung vào 40% sản lượng còn lại (khoảng 25.433 tấn/tháng). Như vậy, nguồn cung ứng chỉ đáp ứng được khoảng 34% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Lượng gạo còn lại được khai thác từ các tỉnh lân cận thuộc khu vực phía Bắc, một phần khác được khai thác từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, với thịt lợn, nhu cầu tiêu dùng khoảng 11.600 tấn lợn hơi/tháng. Hiện tại, nguồn thịt lợn sản xuất trên địa bàn TP đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu Hà Nội (năm 2014, sản lượng lợn hơi sản xuất trên địa bàn Hà Nội là khoảng 296.900 tấn, tương đương với 24.700 tấn). Tuy nhiên, do dịch bệnh và lưu thông hàng hóa ra ngoài địa bàn, nên có những thời điểm thị trường vẫn bị thiếu hàng cục bộ, phải khai thác thêm ở các tỉnh lân cận và các tỉnh phía Nam.
Ở mặt hàng thịt gà, nhu cầu tiêu thụ của TP khoảng 4.650 tấn thịt/tháng. Tổng sản lượng thịt gà từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình trên địa bàn TP năm 2014 đạt 61.298 tấn (tương đương khoảng 5.100 tấn/tháng), đủ đáp ứng cho thị trường Hà Nội trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, do dịch bệnh và lưu thông hàng hóa ra ngoài địa bàn, nên có những thời điểm thị trường vẫn bị thiếu hàng cục bộ, phải khai thác thêm ở các tỉnh lân cận.
Tiếp đó, mặt hàng thủy, hải sản tươi, đông lạnh, nhu cầu khoảng 4.500 tấn/tháng. Sản lượng khai thác thủy hải sản trên địa bàn thành phố năm 2014 đạt 83.296 tấn (trung bình khoảng 6.900 tấn/tháng). Mặt hàng này TP Hà Nội tự cung cấp cho thị trường chủ yếu là các loại thủy sản nước ngọt, số lượng còn thiếu là thủy, hải sản tươi, đông lạnh nước mặn, nước lợ được cung ứng từ các tỉnh TP khác.
TP cũng thống kê mặt hàng dầu ăn, nhu cầu tiêu thụ khoảng 4,5 triệu lít/tháng, cả năm là 54 triệu lít. Mặt hàng dầu ăn hầu hết được cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác. Đối với mặt hàng dầu ăn, đến 46% người dân Hà Nội mua tại các siêu thị, 33% người dân mua tại các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng ven đường, còn lại là mua tại các quầy hàng trong các chợ.
Rau, củ, nhu cầu khoảng 75.000 tấn rau, củ các loại/tháng, sản lượng rau, củ thành phố sản xuất được trong năm 2014 khoảng 594.200 tấn (tương đương với 49.500 tấn/tháng). Nguồn cung cấp chủ yếu tại các huyện ngoại thành (đáp ứng được khoảng 66% nhu cầu) còn lại được cung ứng từ các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc và các tỉnh phía Nam...
Bánh mứt, kẹo tết, nhu cầu tiêu thụ các loại bánh mứt kẹo trong dịp tết khoảng 1.500 tấn trong tháng diễn ra tết nguyên đán, đây là các mặt hàng được nhân dân tại các huyện ngoại thành, công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp rất ưa chuộng trong các dịp lễ, tết.
Sữa nước, nhu cầu trung bình của 1 người là 1,7 lít sữa/tháng, nhu cầu của người dân trên đại bàn thành phố trong 1 tháng khoảng 15,8 triệu lít sữa. Các công ty sản xuất sữa trên địa bàn thành phố có thể cung cấp khoảng 14,5 triệu lít sữa tươi tiệt trùng, sữa chua.
Trong năm 2015, với mục đích đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, Sở Công thương tham mưu UBND TP triển khai thực hiện chương trình với các nhóm hàng hóa theo 3 hình thức. Hình thức thứ nhất, kết nối ngân hàng vay vốn sản xuất kinh doanh. Hình thức thứ hai, thực hiện chương trình không tạm ứng vốn với các nhóm hàng cụ thể: gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy, hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo tết, giấy vở, đồ dùng học sinh, sữa nước, bún khô, phở khô, mỳ khô, mỳ tôm, gia vị (nước mắm, muối ăn...) để dần chủ động trong việc thực hiện chương trình, mở rộng thêm đối tượng và số lượng các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình; Hình thức thứ ba, thông qua các chuyến đưa hàng về nông thôn xác định thêm các nhóm hàng được người dân khu vực ngoại thành và người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ưa dùng.
Chương trình bình ổn giá của TP Hà Nội đã được thực hiện từ năm 2010 nhằm bình ổn giá đối với 10 nhóm hàng hóa gồm: Gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gà, thủy hải sản tươi, đông lạnh, dầu ăn, rau củ tươi, giấy vở học sinh, thực phẩm chế biến, đường ăn. Tuy nhiên, thực tế 4 năm thực hiện và căn cứ tình hình cung cầu hiện nay, có 3 nhóm hàng không đưa vào bình ổn thị trường đối với hình thức thực hiện tạm ứng tiền từ Quỹ dự trữ tài chính TP với lãi suất 0% là: thực phẩm chế biến, đường ăn và giấy vở học sinh do lượng hàng hóa dồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.