Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Dự báo sẽ có thêm trường hợp mắc Covid-19 mới tại cộng đồng

Hiền Quyên - Ảnh: Viết Thành| 08/04/2020 15:51

(HNMO) - Chiều 8-4, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản cùng lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.

Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo chiều 8-4.

Dự báo sẽ có thêm trường hợp mắc mới tại cộng đồng

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong hai ngày qua, trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới, đặc biệt đã xuất hiện trường hợp bệnh do tiếp xúc với bệnh nhân 243 tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Các ca bệnh này cũng có lịch trình di chuyển phức tạp giống ca bệnh số 237 tại quận Long Biên, vì vậy sẽ có nguy cơ cao trong cộng đồng.

"Dự báo, trong thời gian tới có thêm trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng", ông Hoàng Đức Hạnh cho hay.

Đến nay, các quận, huyện, thị xã đã tập trung xác minh các trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai; các ca bệnh số 243, 237. Trong hai ngày qua, UBND huyện Mê Linh và ngành Y tế đã thực hiện xử lý ổ dịch mới phát sinh tại thôn Hạ Lôi.

Về việc kết quả rà soát các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế cho biết, đến ngày 8-4, các đơn vị đã rà soát được 25.951 trường hợp tại cộng đồng; đã lấy xét nghiệm được 17.188 trường hợp, trong đó có 8.410 trường hợp âm tính, 5 trường hợp dương tính. Thành phố đã tổ chức cách ly tập trung cho 631 người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp này, trong đó có 1 trường hợp dương tính.

Hiện, còn cách ly theo dõi tại cộng đồng là 15.241 người; cách ly tập trung là 1.264 người tại 16 cơ sở.

Bên cạnh đó, thành phố đã phê duyệt 1.286 tỷ đồng cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có 14.000 test nhanh, các trang thiết bị phun khử khuẩn, bổ sung máy thở...

Theo Sở Y tế, tính đến 14h ngày 8-4, Việt Nam có 251 ca mắc Covid-19 tại 26 tỉnh, thành phố; đã có 122 trường hợp khỏi bệnh. Tại Hà Nội, có 102 ca mắc, trong đó liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai là 38 ca; hiện có 42 trường hợp đã khỏi bệnh, còn 60 trường hợp đang điều trị. 

Người dân ở nhà mới hạn chế được sự lây lan của dịch

Liên quan đến việc lấy mẫu xét nghiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Nguyễn Nhật Cảm cho biết, đến nay đã lấy mẫu xét nghiệm được hơn 17.000 trường hợp, còn 9.000 trường hợp cần lấy mẫu. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm. Đơn vị này cũng đã thực hiện song song hai hình thức là xét nghiệm RT-PCR và test nhanh. Thời gian tới, đơn vị sẽ mở rộng việc test nhanh cả ở cộng đồng và bệnh viện.

Liên quan đến các ổ dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện khoanh vùng, rà soát các trường hợp F1, F2, F3; kêu gọi những người có liên quan các ổ dịch tự giác khai báo y tế, lấy mẫu bệnh phẩm. 

Về trường hợp bệnh nhân 251 tại Hà Nam có con trai và con dâu cư trú tại Hà Nội về chăm sóc, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, ngay khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã thông tin cho quận Nam Từ Liêm để điều tra các trường hợp F1, F2 liên quan đến bệnh nhân số 251.

"Việc chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành phố rất quan trọng, giúp cho việc khoanh vùng, rà soát các trường hợp tiếp xúc nhanh hơn", ông Nguyễn Nhật Cảm nói.

Tại cuộc họp, GS.TS Ngô Quý Châu, Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý của Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thực hiện phun khử khuẩn tại bệnh viện; tiếp tục thực hiện lấy mẫu những người đang ở ngoài bệnh viện. Ngoài ra, GS.TS Ngô Quý Châu thông tin, từ ngày 10-3, các nhân viên của Công ty TNHH Trường Sinh chỉ ở trong bệnh viện, không ra ngoài.

Về việc thực hiện rà soát, khoanh vùng, xác định các trường hợp liên quan đến những ca bệnh, đặc biệt là những ca bệnh có lịch trình di chuyển phức tạp, có nhiều nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, như bệnh nhân 237, 243, 250, các quận, huyện cho biết đã thực hiện ngay việc khoanh vùng, lập chốt, tổ chức rà soát và cách ly.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, đã xác định được 109 trường hợp F1 liên quan đến bệnh nhân 243, trong đó, có 93 người ở xã Mê Linh; hiện đã lấy mẫu xét nghiệm 108 trường hợp, phát hiện 1 trường hợp dương tính. Liên quan đến bệnh nhân 250 (cùng thôn với bệnh nhân 243), huyện Mê Linh rà soát được 132 trường hợp F1. Hiện nay, toàn bộ thôn Hạ Lôi đã được cách ly.

Trong khi đó, quận Long Biên đã tổ chức xét nghiệm nhanh với các trường hợp liên quan đến bệnh nhân 237. Quận Nam Từ Liêm đã lấy mẫu xét nghiệm 2 trường hợp F1 liên quan đến bệnh nhân 251 và thực hiện cách ly những trường hợp F2. Quận Bắc Từ Liêm xác định được 8 trường hợp F1 và tiếp tục tổ chức rà soát số người kinh doanh, buôn bán hoa có mối liên hệ với bệnh nhân 243. Quận Tây Hồ rà soát được 4 trường hợp F1, 12 trường hợp F2 liên quan đến bệnh nhân 243...

Ngoài việc rà soát, khoanh vùng những trường hợp liên quan, các địa phương cho biết đã thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội. 

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý lưu ý, những ngày gần đây người dân ra đường đông hơn. Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị các địa phương cần quán triệt nghiêm túc việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Chỉ thị 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố. Các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân ở nhà, chỉ ra đường khi cần thiết thì mới có thể hạn chế được sự lây lan của dịch.

Vừa tập trung chống dịch, vừa bảo đảm đời sống nhân dân

Nhìn lại công tác phòng, chống dịch trong những ngày gần đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đánh giá, đại đa số nhân dân Thủ đô đã nghiêm túc thực hiện việc giãn cách xã hội. Điều này góp phần quan trọng vào công tác khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, từ đó cơ quan chức năng xây dựng biện pháp ứng phó kịp thời.

Đáng chú ý, các ngành, địa phương vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa nỗ lực huy động các nguồn lực nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, chủ động rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 theo nội dung dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 của Chính phủ. Các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, sẵn sàng ủng hộ nguồn lực vật chất, tinh thần để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung lưu ý, các đơn vị chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không ra đường khi không có việc cần thiết. Hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn có nơi người dân tập trung khá đông với khoảng cách không bảo đảm an toàn, đây đó vẫn có một số người không đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng. Trong khi đó, đến thời điểm này, việc giãn cách xã hội vẫn là giải pháp tối ưu để hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19, được nhiều nước áp dụng.

Nhằm hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngoài các chính sách đã, đang triển khai, Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn ủng hộ một ngày lương. Số tiền này sẽ được chuyển về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, để hỗ trợ những trường hợp cần trợ giúp, tạo điều kiện cho họ vươn lên, ổn định cuộc sống.

Về các ổ dịch trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, toàn bộ các khu vực ở Bệnh viện Bạch Mai đã được phun khử khuẩn. Công tác khoanh vùng, xác định các đối tượng có yếu tố liên quan đến bệnh viện này được tiến hành nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương. Việc xét nghiệm cho các đối tượng được tiến hành trên diện rộng.

Đến nay, 100% cán bộ, nhân viên y tế ở trong Bệnh viện Bạch Mai đều có kết quả âm tính sau 2-3 lần xét nghiệm khẳng định; 2 điều dưỡng viên dương tính với Covid-19 được phát hiện trước đó đã ổn định sức khỏe, một người đã được công bố khỏi bệnh. Mẫu xét nghiệm đối với đối tượng học viên, sinh viên đến thực tập tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đang điều trị và những người đã điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai trước thời điểm phong tỏa (ngày 28-3) đã cho kết quả 100% trường hợp âm tính.

Qua công tác rà soát, các lực lượng chức năng đã xác định rõ 28 người phục vụ tại Bệnh viện Bạch Mai là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, Công ty TNHH Hoàn Mỹ dương tính với Covid-19 không di chuyển ra ngoài bệnh viện. Gần như toàn thời gian họ chỉ làm việc, sinh hoạt tại nhà ăn, hội trường của Trung tâm dinh dưỡng thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó, họ đã được cách ly, theo dõi từ ngày 28-3 đến nay, nên nguồn lây nhiễm từ khu vực nhà ăn đã cơ bản được khống chế; các yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai bước đầu được kiểm soát.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận cuộc họp.

Đối với ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đồng ý với kiến nghị của Chủ tịch UBND xã Mê Linh về việc phun khử khuẩn toàn bộ thôn Hạ Lôi; giao Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp thực hiện. Nếu cần, các đơn vị có thể đề nghị Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) hỗ trợ. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị chức năng có trách nhiệm bảo đảm đời sống cho nhân dân thôn Hạ Lôi trong thời gian cách ly y tế…

Phân tích diễn biến mới của dịch Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, Hà Nội đang là địa phương có số ca dương tính với Covid-19 nhiều nhất cả nước, cũng là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất trong cộng đồng. Đến thời điểm này, một số ca mắc mới đi rất nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người... khiến việc khoanh vùng, xác định đối tượng để cách ly, theo dõi ngày càng khó khăn. Do đó, biện pháp duy nhất để phát hiện chính xác các ca nhiễm Covid-19 là xét nghiệm khẳng định và xét nghiệm nhanh tại cộng đồng.

Từ phân tích đó, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đồng ý ưu tiên xét nghiệm cho các trường hợp có nguy cơ cao, như các đối tượng mới bị bắt tạm giam, tạm giữ, những người có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm (F1); người tham gia chống dịch, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch… Khi các mẫu xét nghiệm được bổ sung, thì các địa phương có thể mở rộng việc xét nghiệm nhanh tại cộng đồng. Đặc biệt, những trường hợp có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai chưa được xét nghiệm, chưa cung cấp thông tin cần khẩn trương liên hệ với các cơ quan chức năng để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của ngành Y tế trên mặt trận chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tiếp tục yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tổ chức tập huấn, phổ biến phác đồ điều trị, kiến thức, kỹ năng phòng, chống Covid-19 cho 100% cán bộ, nhân viên trong ngành. Các cơ sở y tế khẩn trương xây dựng quy trình khám, chữa bệnh phù hợp với thời điểm dịch Covid-19.

Với Bệnh viện dã chiến Mê Linh, các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, sẵn sàng đi vào hoạt động trên cơ sở tận dụng tối đa những gì sẵn có, tránh lãng phí. Ngoài ra, ngành Y tế cần xây dựng hướng dẫn chung về cách phòng, chống dịch Covid-19 làm căn cứ cho các cơ quan, công sở, nhà máy, công trình… trên địa bàn thực hiện.

Quan điểm nhất quán của thành phố Hà Nội là thông tin công khai, minh bạch, kịp thời mọi vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố để người dân nắm rõ, biết cách phòng, chống.

“Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, thì việc giãn cách xã hội cần được thực thi nghiêm túc với tinh thần, ý thức tích cực, chủ động của mỗi người dân. Do đó, mỗi người dân Thủ đô hãy tiếp tục là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Dự báo sẽ có thêm trường hợp mắc Covid-19 mới tại cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.