(HNMO) - Vụ xuân 2023, toàn thành phố Hà Nội dự kiến gieo cấy hơn 81.000ha lúa. Thời tiết thuận lợi, các địa phương tích cực vào cuộc chỉ đạo sản xuất, nhân lực dồi dào…, đến nay, tiến độ gieo cấy của các địa phương đều vượt so với cùng kỳ vụ xuân 2022.
Cơ cấu giống lúa cũng được ngành Nông nghiệp Hà Nội không ngừng cải tiến. Vụ xuân 2023, ước tính có hơn 60% diện tích gieo cấy sử dụng các giống lúa mới, đồng thời, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô những sản phẩm gạo tốt nhất cũng như hạn chế ruộng bỏ hoang.
Vụ xuân năm 2023, huyện Phúc Thọ có kế hoạch gieo trồng hơn 3.400ha diện tích; trong đó diện tích lúa là 2.400ha, diện tích còn lại là trồng các loại rau, khoai lang, lạc, đậu tương và ngô... Nhờ thời tiết thuận lợi, ngay sau Tết, các địa phương đã phát động nông dân xuống đồng gieo cấy và phấn đấu hoàn thành kịp thời vụ. Tính đến sáng 15-2, toàn huyện đã gieo cấy được gần 2.000ha lúa, đạt khoảng 70% diện tích theo kế hoạch và gieo trồng được 879ha rau màu.
Qua thực tế kiểm tra tình hình sản xuất của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn chỉ đạo Phòng Kinh tế huyện, các đơn vị khối nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn tích cực đề nghị nông dân đẩy mạnh tiến độ gieo cấy theo khung thời vụ tốt nhất, đảm bảo hoàn thành trong tháng 2-2023; đối với các địa phương khó khăn về nguồn nước, tích cực rà soát, củng cố các hệ thống trạm bơm, kênh tưới, tiêu để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.
Còn tại huyện Thạch Thất, là một trong 3 huyện của thành phố có phần diện tích cấy lúa xuân 2023 bị khó khăn về nguồn nước, nhưng nhờ nỗ lực của ngành nông nghiệp và địa phương, đến nay tình hình sản xuất vụ xuân 2023 cũng bảo đảm tiến độ.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, toàn huyện có hơn 5.000ha đất nông nghiệp. Vụ xuân 2023, huyện dự kiến gieo cấy gần 3.000ha lúa. Đến nay, diện tích gieo cấy của nông dân đã đạt hơn 68% theo kế hoạch, diện tích có nước đạt khoảng 90%. Năm nay thời tiết thuận lợi nên công tác lấy nước, đổ ải cũng như gieo cấy vụ xuân trên địa bàn huyện đều đang bảo đảm tiến độ. Để tránh tình trạng ruộng bỏ hoang, địa phương tích cực đưa mạ khay cấy máy vào sản xuất, nhất là đối với các diện tích xen kẹt, gần khu dân cư, khu công nghiệp… khó khăn về nguồn nước.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng, vụ xuân là vụ sản xuất lớn trong năm. Nếu như vụ xuân 2022 nhiều địa phương sản xuất gặp khó khăn do mạ bị chết, hoặc nhiều diện tích mới cấy gặp rét sâu sinh trưởng không được tốt, dẫn tới phải dặm bổ sung… năm nay, thời tiết sau Tết Nguyên đán thuận lợi cho việc gieo cấy.
Bà Lưu Thị Hằng cho biết thêm, những năm gần đây, cơ giới hóa được ứng dụng rộng rãi trên những diện tích gieo cấy lúa xuân. Công nghệ mạ khay - máy cấy cũng được sử dụng phổ biến, giúp giảm áp lực về nhân công lao động. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên công tác lấy nước, đổ ải cũng như gieo cấy vụ xuân trên địa bàn Hà Nội đều bảo đảm tiến độ. Chi cục đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương nhằm tuyên truyền, vận động bà con tập trung gieo cấy lúa xuân, phấn đấu hoàn thành trong tháng 2-2023..
Đi kiểm tra sản xuất tại các địa phương trong 2 ngày 14 và 15-2, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho hay, thời tiết những ngày tới được dự báo khá thuận lợi cho gieo cấy lúa xuân. Chính vì vậy, đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục vận động bà con tích cực xuống đồng sản xuất. Trong đó lưu ý đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện đúng quy định của Luật Trồng trọt, tuyệt đối không để hoang đất nông nghiệp, gây lãng phí tư liệu sản xuất.
Trước nguy cơ có những diện tích đất nông nghiệp gặp khó khăn về nguồn nước gieo cấy lúa xuân, ông Nguyễn Mạnh Phương đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, thống kê những diện tích này để triển khai các biện pháp chống hạn kịp thời. Đối với những diện tích thiếu nước gieo cấy lúa, cần chủ động lên phương án để chuyển đổi sang canh tác cây trồng cạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.