Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội - Đôi bờ sông Hồng, lịch sử văn hóa

Nguyễn Vinh Phúc| 16/03/2011 07:17

(HNM) - Tập sách của nhóm tác giả Đỗ Phương Quỳnh, Trần Văn Hà - Quỳnh Chi nói về dải đất đã tạo ra đô thành bây giờ là Hà Nội, Thành phố Anh hùng, Thành phố vì hòa bình.


Sông Hồng thực ra là con sông giữ vị trí quan trọng không chỉ của riêng Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến mà còn của cả vùng Đồng bằng Bắc bộ. Ngoài dòng chảy chính đi qua Hà Nội, sông Hồng còn có nhiều chi lưu làm nên một châu thổ trù phú: châu thổ sông Hồng với rất nhiều dấu ấn văn hóa cổ truyền, đặc sắc.

Đôi bờ sông Hồng chỉ nói riêng đoạn qua địa bàn Hà Nội cũng đã lưu giữ rất nhiều kỷ niệm dựng nước và giữ nước của cả dân tộc ta. Các tác giả đã dõi theo những điểm mốc trong tiến trình lịch sử đó: cách đây gần 2000 năm, năm 40 sau Công nguyên cuộc khởi nghĩa đầu tiên giành độc lập cho dân tộc đã bắt đầu từ ngay cõi đất nay là Mê Linh, Hà Nội. Rồi đến thế kỷ thứ X, cũng chính trên địa bàn Hà Nội đã ra đời nhà nước độc lập đầu tiên chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc: Nhà nước Ngô Vương Quyền. Rồi đến giữa thế kỷ XX, lại chính từ Hà Nội đã mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đánh đuổi phát xít Nhật, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhóm tác giả đã phản ánh được hình thái văn hóa của dải đất nằm bên đôi bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội này. Thế đất, lịch sử, các chi lưu, những sinh hoạt văn hóa như hội hè lễ lạt, các di tích nghệ thuật, kiến trúc, các đình, đền, miếu mạo, các cơ sở của những cuộc vận động chống xâm lăng, tổ chức cách mạng kháng chiến xưa và nay... Tóm lại, đôi bờ sông Hồng đúng là không gian lịch sử và văn hóa rộng dài và sâu thẳm! Ở đây, các tác giả khiêm tốn chỉ khoanh phạm vi nghiên cứu vào những làng mạc cũng như phố xá nằm sát đôi bờ sông. Như vậy cũng đã là đáng quý!

Với Hà Nội, đôi bờ sông Hồng đã lưu giữ bao lớp trầm tích văn hóa vật thể: đình, đền, cung miếu, phố phường, làng mạc, ao đầm... và cả những trầm tích phi vật thể: những huyền thoại, truyền thuyết, ca dao, dân ca, lễ hội, tín ngưỡng, nghệ thuật... mà ngày nay chúng ta cần phải hiểu biết, trân trọng, gìn giữ và phát triển cho xứng với tầm vóc của một Thủ đô nghìn năm văn hiến. Nhóm tác giả cho biết: "Đã cố gắng khảo sát nghiêm túc những dấu tích của nền văn hóa cổ truyền ở đôi bờ sông từng được coi là sông mẹ (sông Cái) của cả Đồng bằng Bắc bộ để biên soạn sách này, chỉ cốt là ghi lại hình ảnh xa xưa để chúng khỏi rơi vào quên lãng, để duy trì một phần nào đó nền tảng văn hóa của ký ức người Hà Nội một thời đã qua song vẫn là nguồn cội cho mọi sự sáng tạo ngày nay".

Qua bốn trăm trang sách, độc giả thấy rõ cố gắng đó của các tác giả. Và trong khi đi vào khảo tả không gian này, các tác giả đã tỏ ra rất thận trọng, bỏ nhiều công sức để sưu tầm, điều tra thực địa, điều tra hồi cố một cách chu đáo, tích lũy được nhiều hiểu biết, tri thức mà có lẽ không phải ai cũng thấu tỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - Đôi bờ sông Hồng, lịch sử văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.