Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đề xuất 9 nhóm giải pháp trong quản lý VSATTP

Gia Phong| 27/04/2016 14:01

(HNMO) - Sáng 27-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và cho ý kiến dự thảo Chỉ thị của Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và cảm ơn các đồng chí Bí thư, Chủ tịch 63 địa phương họp cùng các thành viên Chính phủ để cùng bàn thảo, tìm hướng giải quyết vấn đề nhân dân, xã hội đặc biệt quan tâm và Nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm bảo đảm ATTP cho nhân dân và người tiêu dùng. Thủ tướng nhấn mạnh, để bảo đảm ATTP đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người sản xuất, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương và trách nhiệm giám sát của các cấp, ngành, cơ quan dân cử để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong bảo đảm VSATTP. Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý ATTP, nêu rõ những bất cập, đề ra những giải pháp cụ thể, lựa chọn các loại thực phẩm cụ thể nhất là thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát... nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý ATTP.

Các cơ quan chức năng như: Công an, thanh tra, quản lý thị trường phải thanh tra, kiểm tra mạnh mẽ hơn từ xử lý hành chính đến hình sự để răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm về ATTP, bảo vệ quyền lợi sức khỏe của người dân.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2012-2014, trung bình mỗi năm thanh tra liên ngành ATTP đã tiến hành thanh, kiểm tra khoảng 470 nghìn cơ sở, phát hiện hơn 99,3 nghìn cơ sở vi phạm (chiếm 21,1%). Trong năm 2015, có hơn 20,6 nghìn đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra tại gần 345 nghìn cơ sở, phát hiện gần 78 nghìn cơ sở vi phạm (chiếm 22,6%; năm 2014 là 21,3%). Trong quý I-2016, kiểm tra tại gần 110 nghìn cơ sở, phát hiện hơn 20,5 nghìn cơ sở vi phạm (chiếm 18,8%; quý I-2015 là 20,4%).

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình và những giải pháp chính nâng cao hiệu quả quản lý ATTP, qua đợt cao điểm ATTP (từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016) cho thấy, mức độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm đã có mức giảm đáng kể. Cụ thể, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong rau là 5,17% (năm 2014 là 5,43%; 9 tháng năm 2015 là 10,3%). Thịt vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn là 1,91% (năm 2014 là 6,84%; 9 tháng đầu năm 2015 là 4%). Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm vi phạm với tỷ lệ cao hơn như thuỷ sản, vi phạm các chỉ tiêu về hoá chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn là 7,27% (năm 2014 là 1,21%; 9 tháng đầu năm 2015 là 1,01%).

Theo đại diện Văn phòng Chính phủ, qua báo cáo của các bộ, ngành cho thấy, hiện nay trên cả nước còn nhiều hạn chế, bất cập trong công tác đảm bảo ATTP. Nổi lên là khâu tổ chức thực hiện bảo đảm ATTP còn nhiều hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm ngay trên địa bàn mình quản lý, hầu hết các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của trung ương phát hiện, rất ít vi phạm do địa phương phát hiện. Nhiều ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tại địa phương (được tổ chức tại cấp tỉnh, huyện) hoạt động chưa hiệu quả. Mặt khác, chưa có cơ chế tài chính phù hợp giải quyết kinh phí, ngay cả kinh phí kiểm nghiệm thực phẩm, xử lý, tiêu huỷ thực phẩm không an toàn. Lực lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu nhiều trang thiết bị kỹ thuật, các phòng kiểm nghiệm chưa phát triển phương pháp theo kịp nhu cầu (như: kiểm nghiệm vàng ô trong măng, chất nhuộm màu ruốc…). Việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị.


Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng bày tỏ nhất trí cao với những nội dung nêu trong báo cáo của Văn phòng Chính phủ và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, việc bảo đảm VSATTP nhất là quản lý thực phẩm tươi sống, rau quả trên địa bàn, dù thời gian qua thành phố đã nỗ lực thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt nhưng kết quả mang lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân; công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất 9 nhóm giải pháp trong quản lý ATTP, trong đó phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở; các cơ sở kinh doanh phải nêu rõ nguồn gốc sản phẩm, có địa chỉ, điện thoại cụ thể để thuận lợi cho việc giám sát; các chủ sản xuất phải có đủ phương tiện theo đúng tiêu chuẩn để vận chuyển, bảo quản thực phẩm; bảo đảm an toàn lao động; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người buôn bán, nuôi trồng có kiến thức, chứng chỉ về VSATTP mới được kinh doanh; đầu tư cho trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra ATTP; cần ban hành những chế tài mạnh để bảo đảm tính răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn; đổi mới công tác tuyên truyền VSATTP nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức của người sản xuất, kinh doanh; đầu tư kinh phí thỏa đáng cho công tác quản lý ATTP; xây dựng hệ thống cung cấp thực phẩm sạch.

Cùng quan điểm trên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, tình hình ATTP hiện nay là đáng báo động, tràn lan, phức tạp, nguy hiểm. Nguyên nhân hàng đầu của thực trạng này là không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất VSATTP tràn lan. Công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng. Cùng với đó, cơ chế chính sách chưa hỗ trợ để cá nhân, cơ sở sản xuất đầu tư nuôi trồng, tiêu thụ, phân phối quy mô, hệ thống. “Lò mổ bất hợp pháp, cơ sở mất vệ sinh xã, phường biết nhưng không ai bị xử lý cả, đây là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch. Chúng ta cần phải xác định xử lý trách nhiệm cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan đến tình trạng lộn xộn, bất cập trong quản lý ATTP hiện nay”, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương không nêu thành tích, nói thẳng vào những bất cập, đề xuất những giải pháp cụ thể. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong công tác bảo đảm ATTP tại hội nghị. Trước năm 2010, công tác quản lý ATTP theo phân khúc nhưng từ khi có Luật ATTP từ năm 2012 thì tất cả những sản phẩm thực phẩm đều có địa chỉ cụ thể là ngành nào quản lý từ khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế biến, kể cả bao bì đóng gói. Trong quá trình triển khai Luật ATTP có một số mặt hàng giao thoa thì các bộ đã có thông tư liên tịch giao cho bộ nào quản lý chính. Trách nhiệm của địa phương cũng được quy định rất rõ là quản lý toàn diện công tác VSATTP trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề, tôi đã hỏi Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Cao Đức Phát, khi thanh tra Bộ NN& PTNT đã kiểm tra địa phương phát hiện vi phạm và cũng có ý kiến xử lý. Vậy có bao giờ, Bộ NN& PTNT đề nghị chủ tịch tỉnh xem xét trách nhiệm về việc để xảy ra sai phạm trên địa bàn hay chưa (?)… Và câu trả lời là không…

Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Cao Đức Phát, hiện nay các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm chính của từng bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm VSATTP. Sản phẩm do nhà máy sản xuất hay bày bán trong siêu thị thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào luật quy định rất rõ. Tuy nhiên, nhiều đồng chí vẫn chưa nắm rõ nên ở một số địa phương tổ chức bộ máy và chỉ đạo thực hiện chưa theo đúng luật. “Sau hội nghị chúng ta cần tổ chức quán triệt, phân công, quy trách nhiệm theo đúng luật đồng thời cần tăng cường năng lực bộ máy, củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tại địa phương”, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đề xuất 9 nhóm giải pháp trong quản lý VSATTP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.