(HNMO) - Chiều 9-12, tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã tổ chức hội nghị hợp tác - phát triển.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau; đồng chí Phạm Bạch Đằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị, về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; đại điện các ban Đảng Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện.
Về phía tỉnh Cà Mau có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Hiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiêm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Dũng, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phạm Anh Tuấn, Bí thư Thành ủy Cà Mau Nguyễn Kiên Cường; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực
Những năm qua, tỉnh Cà Mau và thành phố Hà Nội dù chưa chính thức ký kết các biên bản hợp tác song vẫn thường xuyên duy trì nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm. Điển hình là tháng 9-2014, đoàn công tác của thành phố Hà Nội đã đến thăm và làm việc với tỉnh Cà Mau, trao tặng số tiền 5 tỷ đồng ủng hộ Quỹ xóa đói giảm nghèo tỉnh Cà Mau.
Hai địa phương đã có một số hoạt động chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thông qua hoạt động giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các ban Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và cấp ủy, chính quyền các địa phương; chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về xây dựng Đảng.
Hà Nội và Cà Mau cũng đã phối hợp tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; hỗ trợ thực hiện chương trình xúc tiến du lịch thông qua các hội chợ, triển lãm… Ngành Công Thương hai tỉnh, thành phố đã ký kết Bản thỏa thuận về hoạt động hợp tác giao thương giai đoạn 2016-2020; tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa tỉnh Cà Mau và thành phố Hà Nội tại tỉnh Cà Mau năm 2016… Thông qua các hoạt động kết nối, văn hóa phẩm, hàng hóa đặc trưng của Hà Nội và Cà Mau đã được phân phối, tiêu thụ hiệu quả tại hai địa phương.
Thực hiện chủ trương của Thường trực Thành ủy khóa XV (nhiệm kỳ 2010-2015), thành phố Hà Nội đã thực hiện đầu tư xây dựng công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại khu I, khu công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) từ ngân sách thành phố Hà Nội. Đến nay, toàn bộ dự án đã hoàn thành, trở thành điểm văn hóa, biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau, điểm địa đầu của Tổ quốc, với ý nghĩa quan trọng về mặt địa lý, lịch sử, góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
10 lĩnh vực hợp tác sẽ được đẩy mạnh
Tại hội nghị, đại diện các ban, sở, ngành của TP Hà Nội và tỉnh Cà Mau đã trao đổi, thảo luận các nội dung, biện pháp đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa hai địa phương.
Trong đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề xuất, với những ưu thế về ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc chia sẻ kinh nghiệm với tỉnh Cà Mau trên những lĩnh vực này. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, HĐND thành phố Hà Nội có kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế, chính sách, có nhiều cơ hội để trao đổi với tỉnh Cà Mau trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, với vị trí địa lý là vùng đất địa đầu của Tổ quốc, Cà Mau là vùng đất anh hùng cách mạng, có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển.
“Chín ý kiến phát biểu sôi nổi tại hội nghị đã cho thấy, còn rất nhiều lĩnh vực mà Hà Nội và tỉnh Cà Mau có thể mở rộng hợp tác trong thời gian tới”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhận xét.
Chúc mừng những kết quả mà tỉnh Cà Mau đạt được trong thời gian qua, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng vui mừng thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô năm 2019. Nổi bật, GRDP của Thủ đô tăng 7,46% - cao nhất trong 4 năm trở lại đây; đầu tư nước ngoài đạt 8,05 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước, cao nhất kể từ 30 năm mở cửa và hội nhập…
Đặc biệt, việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, mặc dù khoảng cách địa lý xa nhau, nhưng với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và tỉnh Cà Mau đã được triển khai có hiệu quả. Đặc biệt, dịp này, hai bên triển khai hoạt động rất ý nghĩa là khánh thành công trình Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau. Công trình sẽ là địa điểm thu hút khách du lịch trong nước nói chung và Hà Nội nói riêng, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.
Mong muốn thời gian tới hai địa phương sẽ đẩy mạnh hợp tác toàn diện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị, trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, hai bên sẽ tập trung thực hiện 10 nội dung hợp tác. Trong đó, chú trọng các lĩnh vực: Quy hoạch, công nghiệp thương mại, phát triển du lịch, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp tiên tiến để cung cấp cho thị trường Hà Nội thông qua hệ thống phân phối bán lẻ tại Hà Nội…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tin tưởng, với sự quyết tâm của hai tỉnh, thành phố, mối quan hệ hợp tác sẽ có những bước tiến mới, góp phần phát triển kinh tế của hai địa phương.
Trân trọng cảm ơn tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình mong muốn, thời gian tới, hai tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục hợp tác, phát triển toàn diện, qua đó phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của mỗi địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.