Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm từ 7,5% trở lên

Hương Ly| 03/01/2018 06:42

(HNM) - Đây là mục tiêu được nêu tại Kế hoạch số 66-KH/TU của Thành ủy Hà Nội vừa ban hành nhằm triển khai Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị


Cùng với việc phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm từ 7,5% trở lên, thành phố tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; dịch vụ chất lượng cao đóng vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, GRDP bình quân/người năm 2020 đạt 140-145 triệu đồng (tương đương 6.700-6.800USD), năng suất lao động bình quân tăng 6,5%/năm, huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 2.500-2.600 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh, giữ vững và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; phấn đấu trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 10 huyện, thị xã trở lên đạt nông thôn mới; tập trung xây dựng và phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, đậm đà bản sắc văn hóa; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng nếp sống văn hóa đô thị; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 88%, tổ dân phố văn hóa đạt 72%, làng văn hóa đạt 62%; phát triển giáo dục và đào tạo trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực; đến năm 2020, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm 65-70%; trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phấn đấu số giường bệnh/vạn dân đạt 26,5; số bác sĩ/vạn dân đạt 13,5; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn mới của Bộ Y tế) đạt 100%...

Ngoài ra, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo (có chứng chỉ) đạt 70-75%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều dưới 1,2%. Trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố sạch, đẹp, văn minh; tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam khu vực đô thị là 95-100%, khu vực nông thôn là 90-95%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%.

Thành ủy cũng đặt mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân; bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các sự kiện của quốc gia và quốc tế; chủ động nắm và xử lý tình hình, không để bất ngờ, kiên quyết không hình thành các hội, nhóm cơ hội chính trị trên địa bàn. Bên cạnh mục tiêu tạo bước chuyển biến mới rõ rệt về trật tự an toàn xã hội, giao thông; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, Thành ủy đặt mục tiêu xây dựng Hà Nội là khu vực phòng thủ vững chắc.

Trong công tác xây dựng Đảng, Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu kết nạp trên 12.000 đảng viên/năm. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm là 70%. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh hằng năm trên 50%.

Để thực hiện được các chỉ tiêu trên, Thành ủy Hà Nội đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm lớn. Trong đó nổi bật là tập trung quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của Thủ đô; đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô, triển khai đồng bộ 3 đột phá chiến lược, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững; phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại...

Một nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được xác định là thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm từ 7,5% trở lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.