Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đặt an toàn tiêm chủng lên hàng đầu

Thu Trang| 11/03/2021 14:17

(HNMO) - Ngày 11-3, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai tiếp nhận và sử dụng vắc xin phòng, chống Covid-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên tại Hà Nội đợt 1-2021.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng kiểm tra kho bảo quản vắc xin tại CDC Hà Nội.

Theo báo cáo của Bệnh viện Thanh Nhàn về kết quả tiêm vắc xin Covid-19 cho 36 nhân viên y tế đầu tiên tại bệnh viện, qua theo dõi sau tiêm 30 phút, không có trường hợp nào có biểu hiện bất thường. Qua theo dõi 24 giờ sau tiêm, có 10 trường hợp gặp phản ứng sau tiêm, 6 trường hợp bị sốt nhẹ (từ 37 độ C đến 38,5 độ C), 2 trường hợp đau mỏi cơ, mệt mỏi, 2 trường hợp bị đau, sưng tại vị trí tiêm.

Tính đến sáng nay (11-3), không có trường hợp nào tiến triển nặng, các triệu chứng nêu trên đã hết. 100% nhân viên y tế được tiêm vắc xin Covid-19 đã trở lại với công việc bình thường. 

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, dấu hiệu sốt, sưng, đau cơ sau tiêm vắc xin không đáng lo ngại. Đây hoàn toàn là phản ứng tốt của cơ thể sau khi được tiêm vắc xin.

Từ ngày 8 đến 10-3, có tổng số 955 người được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các điểm tiêm: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2 tại huyện Đông Anh, Hà Nội); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương); Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) và Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai nhưng chưa có trường hợp tai biến quá nặng xảy ra.

Từ kinh nghiệm triển khai tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên tại Bệnh viện Thanh Nhàn, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, do vắc xin này hoàn toàn mới nên việc triển khai đợt tiêm này được đánh giá là đặc biệt quan trọng. Trong đợt tiêm này, Hà Nội đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Do đó, ngành Y tế Thủ đô đã xây dựng một kế hoạch tiêm chủng đầy đủ, chi tiết.

"Chúng tôi yêu cầu mỗi điểm tiêm chủng chỉ triển khai tiêm từ 30-50 người/buổi tiêm. Cùng với đó, tổ chức khám sàng lọc cẩn thận, theo dõi chặt chẽ sức khỏe sau tiêm chủng của người tiêm. Đặc biệt, tất cả điểm tiêm phải chuẩn bị đội cấp cứu thường trực, đáp ứng mọi phản ứng sau tiêm có thể xảy ra", ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý.

Bộ Y tế phân bổ 8.000 liều vắc xin AstraZeneca trong tổng số hơn 117.000 liều vắc xin đầu tiên cho CDC Hà Nội. Theo kế hoạch, Hà Nội triển khai tiêm vắc xin Covid-19 từ ngày 9-3 đến 18-3 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Riêng từ ngày 12-3 đến 15-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phổi Hà Nội tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Covid-19. Từ ngày 15-3 đến 18-3, cả 5 khu cách ly tập trung tại Hà Nội sẽ triển khai tiêm vắc xin Covid-19.

Kết thúc hội nghị, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cùng đại diện Sở Y tế Hà Nội kiểm tra kho bảo quản vắc xin Covid-19 tại CDC Hà Nội, kiểm tra các quy trình chuẩn bị tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại đây.

Đại diện Cục Y tế dự phòng, Sở Y tế Hà Nội kiểm tra khu vực chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 tại CDC Hà Nội.

Qua kiểm tra, ông Đặng Quang Tấn đánh giá cao công tác chuẩn bị, rà soát đối tượng và tập huấn cho chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lần này của Hà Nội, đồng thời cho biết, thời gian tới, sẽ có nguồn vắc xin nhập về nhiều hơn nữa. Cụ thể, từ nay đến tháng 5-2021 sẽ có hơn 4 triệu liều vắc xin Covid-19 trong chương trình Covax được nhập về Việt Nam.

Bộ Y tế sẽ phối hợp với chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cùng các đơn vị liên quan triển khai mở rộng đối tượng tiêm chủng, mở rộng hơn các địa phương được tiêm chủng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đặt an toàn tiêm chủng lên hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.