(HNMO)- Thảo luận sáng 2/12, ĐB Nguyễn Hoài Nam cho rằng Báo cáo của UBND chưa nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế trong quản lý tài sản của nhà nước, đặc biệt là nhà của nhà nước.
ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) cho rằng Nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cấp TP năm 2016 của TP Hà Nội chưa bàn thấu đáo đến quản lý tài sản công đã có.
ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) |
ĐN Hoài Nam thẳng thắn chỉ ra: "Báo cáo 202 của UBND tuy có nói những tồn tại, hạn chế trong quản lý tài sản công nhưng thực trạng chưa đầy đủ và chưa nhìn thẳng vào tồn tại, hạn chế trong quản lý tài sản của nhà nước, đặc biệt là nhà của nhà nước.
Từ năm 2012-2013, HĐND TP đã giám sát về quản lý tài sản nhà của nhà nước và chúng ta đã chỉ ra hàng loạt những bất cập, hạn chế, yếu kém, như sử dụng lãng phí, nhà cho thuê lại lấy chênh lệch giá, cho thuê không thu được tiền, mang vốn, nguồn lực của nhà nước ở nhà đi hùn vốn đầu tư nhưng không hiệu quả... Trong kiến nghị có ghi rõ xem lại mô hình, hiệu quả của hoạt động công ty một thành viên 100% vốn nhà nước, sử dụng nhà của nhà nước. Từ đó đến nay, không những không khắc phục mà vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Trong tay tôi có kết luận mà chúng tôi giám sát và thanh tra. Như vậy sau 5 năm, không những không phát triển được mà còn sử dụng nhà của nhà nước ngày càng sai phạm.
Trong kiến nghị, UBND TP có đề nghị HĐND các cấp tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Thực ra đó phải là xử lý sau kết luận giám sát, sau thanh tra những vi phạm trong quản lý tài sản công thì mới phát huy hiệu quả và ngăn chặn được".
Trên cơ sở đó, ĐB đề nghị Khoản 5 dự thảo Nghị quyết phải bổ sung hẳn một giải pháp. Đó là phải quản lý chặt chẽ tài sản công theo quy định của pháp luật, xử lý nghiêm và khắc phục các sai phạm trong quản lý tài sản công của TP, nhất là nhà của nhà nước và có đề án nghiên cứu khoán kinh phí sử dụng ô tô.
Đồng tình với quan điểm của ĐB Nguyễn Hoài Nam, ĐB Vũ Đức Bảo (Long Biên ) cho rằng cần phải tận thu được nguồn thu ở địa phương bởi hiện chưa kiểm soát dược tình hình, dẫn đến tình trạng "trôi nổi"...
Theo ĐB Bảo, trong cân đối ngân sách nguồn thu, nên đi sâu vào phân tích và kiến nghị Ban Kinh tế Ngân sách cùng sở ngành có chuyên đề nghiên cứu. Ví dụ thu từ tài sản công nhà nước như thế nào, nguồn sử dụng đất ra làm sao... Với Hà Nội, nguồn thu khá lớn, nhưng chưa nắm được thực tế. Từ việc nắm rõ sẽ phải có cơ chế và giải pháp tận thu, tránh thất thoát.
ĐB Vũ Đức Bảo (Long Biên) |
ĐB Nguyễn Xuân Diên (Ứng Hoà) đề nghị UBND TP cần làm rõ về hiệu quả của Quỹ đầu tư phát triển sau nhiều năm thành lập bởi có nhiều ý kiến về hoạt động hiệu quả chưa rõ.
Với các đề tài khoa học, tại các kỳ họp trước đã chất vấn, do có đầu tư khá lớn, hàng năm nhiều tỷ đồng nhưng thực chất, hiệu quả thực tế đem lại, nhất là khoa học ứng dụng, rất nhỏ, gây lãng phí.
UBND TP cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thêm về sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho dự án đúng mục đích. Qua giám sát, có chuyện khi phân bổ ngân sách về cho dự án A này nhưng lại bị "dải mành mành" cho 4-5 dự án khác. Do đó, phải tăng cường giám sát để giải ngân, giải vốn đúng đối tượng.
Tiếp thu ý kiến của các ĐB, Hà Nội sẽ xây dựng đề án khoán xe công. Ảnh minh hoạ |
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các ĐB, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách đề nghị tiếp thu vào dự thảo Nghị quyết theo hướng bổ sung Điều 5 nội dung cần quản lý chặt chẽ tài sản công theo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm và xây dựng đề án khoán xe công.
HĐND TP cũng giao UBND TP rà soát quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.