(HNMO) - Sáng 5-3, Thông Tấn xã Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, quận Cầu Giấy và phường Yên Hòa tổ chức gắn biển tên phố Trần Kim Xuyến.
ổ chức gắn biển tên phố Trần Kim Xuyến.
Phố Trần Kim Xuyến dài 550m, rộng 20m, bắt đầu từ ngã tư đường Trung Hòa- Vũ Phạm Hàm (cạnh Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) đến điểm giao cắt với đường 30m (cạnh Công ty cổ phần phát triển công nghệ EPOSI) thuộc dự án khu đô thị mới, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Nhà báo liệt sỹ Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 tại xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và lớn lên giữa những năm tháng sôi động của Phong trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh đã giúp ông sớm giác ngộ cách mạng. Tốt nghiệp Trường Quốc học Vinh (Nghệ An) với kết quả cao, Trần Kim Xuyến đã thi vào ngạch thông phán, được bổ nhiệm làm việc ở tòa sứ tỉnh Bắc Giang. Trong thời gian này, ông vừa bí mật hoạt động cách mạng, vừa công khai hoạt động xã hội. Năm 1943, ông chuyển về Hà Nội hoạt động cách mạng và bị Pháp bắt giam ở Nhà tù Hỏa Lò vào năm 1944.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 22-8-1945, Trần Kim Xuyến được tín nhiệm giữ chức vụ Đổng lý Văn phòng Bộ Tuyên tuyền (sau sáp nhập vào Bộ Nội vụ) với nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Trần Huy Liệu tổ chức bộ máy của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi thành lập Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ, ông được cử giữ chức vụ Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông Tấn xã. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I ngày 6-1-1946, Trần Kim Xuyến trúng cử đại biểu Quốc hội khu vực Bắc Giang. Ông đã hy sinh anh dũng ngày 3-3-1947 tại khu vực Đầm Sen, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) sau khi hoàn thành nhiệm vụ sơ tán toàn bộ tài liệu, máy móc, thiết bị trước đợt tấn công bất ngờ của địch vào nơi đóng quân của Việt Nam Thông Tấn xã.
Trần Kim Xuyến là một trong số gần 500 nhà báo hy sinh trên các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và là nhà báo thứ hai của ngành thông tấn được Nhà nước vinh danh bằng việc đặt tên đường phố (nhà báo đầu tiên là Bùi Đình Túy, đặt tên cho tuyến đường và cây cầu ở phường 12, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.