Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội có những thành tựu đáng ngưỡng mộ

Quỳnh Dương| 16/10/2020 15:15

(HNNN) - Từng nhiều năm học tập và làm việc tại Hà Nội, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại cũng như những thay đổi tích cực trên mảnh đất Rồng bay. Nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và chào mừng thành công của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, ông đã chia sẻ với Hà Nội Ngày nay những suy nghĩ, tình cảm của mình đối với thành phố nghìn năm văn hiến.

- Sang Việt Nam học tập từ khi đất nước của chúng tôi vừa thoát khỏi chiến tranh, sau đó tiếp tục gắn bó nhiều năm với dải đất hình chữ S trên cương vị Đại sứ Palestine, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của Việt Nam và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội trong gần nửa thế kỷ qua?

- Vào một ngày mùa thu cách đây 40 năm (14-10-1980) tôi đã sang Việt Nam với khát vọng tìm hiểu về một đất nước, dân tộc đã để lại cho cá nhân tôi và nhiều người Palestine khác những dấu ấn không thể quên. Đó là hình ảnh một dân tộc nhỏ bé nhưng vô cùng kiên cường trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Trước đó, ngay từ khi đang là một cậu bé 12 tuổi, tôi đã tìm hiểu về Việt Nam qua báo chí và sách vở. Câu chuyện người Hà Nội chiến thắng trong trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Đây là lý do khi học hết phổ thông, nhận được học bổng du học ở nhiều quốc gia, tôi đã chọn Việt Nam và trở thành một trong số những lưu học sinh người Palestine đầu tiên tại đất nước các bạn.

Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đặt chân đến Hà Nội. Đi từ sân bay Nội Bài về ký túc xá dành cho sinh viên nước ngoài trong Khu tập thể Bách Khoa phải mất 2 giờ. Con đường đi qua rất nhiều cánh đồng yên bình, nơi có những người nông dân đang làm ruộng, rồi đến cầu Long Biên lịch sử, Nhà khách Chính phủ, phố Tràng Tiền... Tôi thấy ấn tượng với cách ăn mặc giản dị của người Việt Nam, đàn ông thường vận áo kaki, đầu đội mũ cối. Còn phụ nữ dịu dàng trong chiếc sơ mi trắng, quần lụa đen, đầu đội nón lá. Hà Nội lúc bấy giờ rất ít ô tô, xe máy và chủ yếu là nhà thấp tầng. Cuộc sống của người dân ở đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh còn nhiều khó khăn. Trong tình trạng bị cấm vận nên mọi thứ cũng không thay đổi nhiều trong suốt 4 năm tôi theo học ở khoa tiếng Việt - Đại học Tổng hợp (1980 - 1984).

Tuy nhiên, khi tôi quay trở lại Việt Nam trên cương vị Đại sứ của Palestine, hình ảnh Hà Nội đã thay đổi đến ngỡ ngàng. Nhiều nhà cao tầng được xây dựng, đường phố được mở rộng. Thậm chí, tôi còn không nhận ra được một số nơi mình từng đi qua. Và đến thời điểm này, khi chúng ta đang kỷ niệm dấu mốc 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô của các bạn đã ghi nhận những thành tựu phát triển đáng ngưỡng mộ trên hàng loạt lĩnh vực, xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững và lấy người dân làm trung tâm, trở thành 1 trong 20 thành phố năng động nhất toàn cầu, điểm đến thu hút của các nhà đầu tư nước ngoài... Lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội cũng không ngừng tăng. Đặc biệt hơn nữa khi Thành phố được UNESCO vinh danh với tên gọi “Thành phố Vì hòa bình”. Điều này cho thấy những nỗ lực tuyệt vời của chính quyền và người dân Hà Nội, cũng như chính sách đổi mới đúng đắn của Chính phủ Việt Nam trong hơn 3 thập niên qua.

Vẻ đẹp của Hà Nội cuốn hút bất cứ ai khi đến Thủ đô ngàn năm văn hiến.

- Ông có thể cho độc giả Báo Hà Nội Ngày nay được biết những sự kiện diễn ra tại Hà Nội mà ông cảm thấy ấn tượng nhất?

- Có 2 sự kiện mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất trong thời gian học tập và làm việc tại Hà Nội. Thứ nhất, đó là chuyến thăm của Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine PLO Yasser Arafat tới Hà Nội vào tháng 10-1981. Lúc đó, tôi được Đại sứ Palestine tại Việt Nam mời đi cùng để tham gia tiếp đón Chủ tịch Arafat trong buổi tiệc do Thủ tướng Phạm Văn Đồng và quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ chủ trì. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được gặp trực tiếp lãnh tụ kính yêu của mình. Tình cảm cũng như những lời dặn dò của ông dành cho tôi ngày hôm đó như một nguồn động viên lớn để tôi không ngừng cố gắng thúc đẩy tình hữu nghị Việt Nam - Palestine.

Sự kiện thứ hai chính là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010). Thời điểm đó tôi mới trở lại thành phố này sau một thời gian dài xa cách. Cảm giác lúc đó của tôi như được trở về ngôi nhà thân yêu của mình. Tôi đã dành nhiều thời gian thăm lại những nơi mình từng gắn bó, đi dọc những con phố có nhiều kỷ niệm như Quang Trung, Nguyễn Du... Tôi nhớ những con đường của Hà Nội nồng nàn mùi hoa sữa. Tôi nhớ cảnh đạp xe trên những con phố thênh thang và xung quanh mọi người đều đạp xe giống mình... Hà Nội là tình yêu của tôi. Tôi thực sự xúc động khi được chứng kiến một sự kiện trọng đại như vậy của thành phố tôi yêu. Có lẽ vì những tình cảm chân thành dành cho Hà Nội, tôi đã được trao giải đặc biệt Cuộc thi quốc tế tìm hiểu “Thăng Long - Hà Nội: Điểm hẹn của bạn” trong khuôn khổ những hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

- Từng công tác và làm việc tại rất nhiều quốc gia phát triển, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm về chiến lược phát triển Thủ đô hướng tới sự bền vững?

- Những năm gần đây, chính sách cải cách của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, không chỉ Hà Nội mà rất nhiều thành phố khác trên thế giới phải đối mặt với những thách thức. Đầu tiên, đó là quy hoạch cơ sở hạ tầng. Đây là một trong những khâu quan trọng để định hướng cho phát triển và kêu gọi đầu tư, bảo đảm đầu tư có hiệu quả và phát triển bền vững.

Để bảo đảm mục tiêu phát triển, công tác quy hoạch phải luôn đi trước, có tầm nhìn dài hạn để tránh tình trạng thiếu đồng bộ do các khâu quy hoạch ngắn hạn gây ra. Tiếp theo là vấn đề môi trường. Hà Nội có một hệ thống sông hồ khá dày đặc. Điều này giúp ích rất nhiều cho việc điều hòa không khí. Tuy nhiên, gìn giữ môi trường tại các dòng sông và hồ nước cũng là một vấn đề mà thành phố nên tăng cường sự quan tâm bên cạnh việc xử lý rác thải, trồng cây xanh, cải thiện bầu không khí...

Trong lĩnh vực văn hóa, tôi thấy Hà Nội đang làm rất tốt công tác trùng tu, bảo tồn di tích. Tôi hy vọng trong thời gian tới, Thành phố sẽ có thêm nhiều kế sách để phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử được hình thành qua chiều dài suốt 1010 năm. Những nét văn hóa truyền thống là đặc trưng riêng của mỗi vùng miền, là điều làm nên sự khác biệt của Hà Nội so với bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới. Chính sự khác biệt này tạo ra sức hút lớn đối với khách du lịch, từ đó mang lại nguồn thu cho Thành phố. Ví dụ, ẩm thực vỉa hè cũng là một nét văn hóa của Hà Nội. Tôi rất thích những món ăn như bánh mỳ pate, phở, bún chả...

Tuy nhiên, để tăng sức hấp dẫn cho ẩm thực Hà Nội, chúng ta cũng phải quan tâm tới việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó là việc làm thế nào để các quán hàng không làm ảnh hưởng tới giao thông đô thị. Tôi rất ủng hộ quyết định của chính quyền thành phố mở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, biến nơi này không chỉ thành điểm vui chơi cuối tuần cho người dân Thủ đô mà còn trở thành nơi giới thiệu văn hóa cho du khách, đặc biệt là tổ chức nhiều chương trình văn nghệ mang màu sắc truyền thống thu hút đông đảo khán giả tới xem. Tôi nghĩ đây là hướng đi đúng giúp cho Hà Nội ngày càng đẹp hơn trong cái nhìn của bạn bè quốc tế.

- Xin chân thành cảm ơn Đại sứ!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội có những thành tựu đáng ngưỡng mộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.