(HNM) - Qua hơn 2 năm kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội đã có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đây là tiền đề để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, thích ứng an toàn, nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Nhìn nhận những tồn tại, hạn chế
Dịch Covid-19 xuất hiện, đặc biệt bùng phát mạnh vào năm 2021 đã cho thấy năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt y tế cơ sở của Thủ đô còn nhiều hạn chế, bất cập. Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thẳng thắn nhìn nhận, nhân lực y tế nhiều nơi chỉ có 5-10 cán bộ chuyên môn/trạm y tế, kể cả ở một số phường có trên 30.000 dân tại quận Hoàng Mai và Đống Đa, nên hệ thống y tế có hiện tượng quá tải khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, chất lượng nhân lực chưa cao, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu và xuống cấp… là nỗi lo thường trực của y tế cơ sở.
Trong thời gian giãn cách xã hội vào năm 2021, Thành ủy, UBND thành phố cũng chỉ ra sự thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch khi một số xã, phường, thị trấn chưa nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của thành phố, nhất là việc vận dụng tại cơ sở, gây ra sự cực đoan trong thực hiện biện pháp phòng, chống dịch. Thực tế cũng cho thấy, những bất cập trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều tới đời sống nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn cho biết, trong năm 2021, các ngành kinh tế dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch cũng như các biện pháp giãn cách phòng, chống dịch. Từ đó, số người lao động bị mất việc làm tăng cao; hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Còn theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, sự lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân. Như trong dịp lễ, Tết, dù đã được cơ quan chức năng khuyến cáo, nhiều người vẫn tụ tập vui chơi, ăn uống tại các địa điểm công cộng, không thực hiện nguyên tắc “5K”. “Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng các trường hợp F0, F1 có dấu hiệu che giấu, trốn tránh khai báo hoặc khai báo không trung thực, đồng thời ngang nhiên đi lại, tiếp xúc với nhiều người gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh”, Đại tá Trần Ngọc Dương nói.
Bảo đảm các mục tiêu cốt lõi
Qua 6 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"; đặc biệt là trong quý I-2022, bám sát chỉ đạo Trung ương, Thành ủy, các cấp, ngành, địa phương của thành phố đã vào cuộc ngay từ đầu năm, chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt nhiều kết quả rõ nét, toàn diện và quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, đến nay, thành phố đã bước qua đỉnh dịch Covid-19. Trong đó, Hà Nội đã thực hiện hiệu quả các mục tiêu cốt lõi của công tác phòng, chống dịch Covid-19 như kiểm soát chuyển tầng, giảm tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; bảo đảm số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống y tế; đồng thời chủ động thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Từ nền tảng kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời rút kinh nghiệm từ một số hạn chế đã được chỉ ra trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, UBND thành phố đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho đơn vị, địa phương, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong các hoạt động thích ứng với dịch bệnh. Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, đối với việc cho học sinh các cấp đi học trực tiếp và một số dịch vụ hoạt động trở lại, UBND thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn để quyết định, đồng thời tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở.
Cũng nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội tăng 6,1% (cùng kỳ giảm 1%), kim ngạch nhập khẩu tăng 18,5% (cùng kỳ tăng 4%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) xu hướng tăng cao gây áp lực lên mục tiêu kiểm soát dưới 4% trong năm 2022; CPI bình quân quý I tăng 2,66% (cùng kỳ tăng 0,04%). Tổng vốn đầu tư phát triển quý I đạt 76,260 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% (cùng kỳ tăng 8,2%). Vốn FDI thu hút 575 triệu USD, trong đó đăng ký mới 64 dự án và 28 dự án bổ sung vốn đầu tư 209,3 triệu USD; đăng ký góp vốn, mua cổ phần 365,4 triệu USD. Có 6.250 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 95 nghìn tỷ đồng (tăng 2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 4%; có 4.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 2%).
Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Hiện thành phố đã hoàn thành cung cấp 14/14 dịch vụ công thiết yếu mức độ 3, mức độ 4; trong đó, 11/14 dịch vụ công thiết yếu đã kết nối và chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình của Chính phủ đề ra…
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ tư vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua việc cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố với 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, tu bổ tôn tạo di tích. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn nhận định, việc thành phố đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng và cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất ngành Y tế sẽ bảo đảm về yêu cầu chuyên môn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19.
Những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã cho thấy nỗ lực vượt bậc, sự chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô để thích ứng bối cảnh mới. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, thành phố cần tiếp tục chủ động phòng ngừa "từ sớm, từ xa". Mở cửa trở lại các hoạt động không có nghĩa là buông lỏng, mà phải có kiểm soát, quản lý hiệu quả, do đó đòi hỏi các đơn vị, địa phương phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, tạo tiền đề vững chắc cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.