Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai chương trình mới ở lớp 4

Thống Nhất| 10/01/2023 12:03

(HNMO) - Ngày 10-1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2022-2023 giáo dục tiểu học. Toàn thành phố hiện có 826 trường tiểu học (gồm 723 trường công lập và 103 trường tư thục) với tổng số hơn 813.000 học sinh, hơn 31.000 cán bộ quản lý, giáo viên.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến chủ trì hội nghị.

Năm học 2022-2023, các trường tiểu học dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với ba khối lớp (1, 2, 3), hai khối lớp còn lại (4, 5) dạy theo chương trình giáo dục hiện hành. 

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ học kỳ I đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và an toàn. Các nhà trường đều chủ động xây dựng, triển khai nhiều biện pháp tích cực để duy trì sĩ số, quan tâm học sinh yếu, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên các trường tiểu học tổ chức dạy chương trình, sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 3 với nhiều nội dung mới, trong đó có việc triển khai dạy học tin học và ngoại ngữ theo hình thức bắt buộc (các năm trước là môn học tự chọn). 100% các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã tổ chức dạy hai môn này theo yêu cầu, bảo đảm đủ số thiết theo quy định. 

Học kỳ II năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo và các nhà trường tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn trường học, hoàn thành tốt chủ đề năm học là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành các nhệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. 

Lưu ý về nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhắc nhở các nhà trường rà soát, sử dụng hiệu quả trang thiết bị hiện có, đồng thời tăng cường huy động giáo viên làm đồ dùng dạy học để tổ chức dạy học chất lượng, nhất là với các lớp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.  

Cũng trong học kỳ II, các đơn vị, trường học cần chuẩn bị cho công tác tuyển sinh lớp 1 năm học 2023-2024, trong đó có việc rà soát số lượng trẻ mẫu giáo 5 tuổi, từ đó tham mưu UBND quận, huyện, thị xã tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp trong bối cảnh không còn quy định về hộ khẩu; chủ động chuẩn bị các điều kiện triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 4. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai chương trình mới ở lớp 4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.