(HNMO) - Ngày 25-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) Trung ương tổng kết thực hiện thí điểm chế định này theo Nghị quyết số 36 ngày 23-11-2012 của Quốc hội.
Kết quả cho thấy sự ra đời của TPL tạo lập được một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính tư pháp ở những địa bàn được thí điểm.
Cụ thể, với dịch vụ tống đạt văn bản thay tòa án, đã giúp nâng cao vị thế của cán bộ tòa vì hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc với đương sự ngoài trụ sở tòa, tạo sự khách quan, vô tư trong xét xử. Việc lập vi bằng của TPL đã góp phần bổ sung nguồn chứng cứ cho đương sự, giúp cơ quan xét xử giải quyết vụ việc khách quan, đúng pháp luật. Một số trường hợp, vi bằng đã được sử dụng trong vụ kiện lớn, có yếu tố nước ngoài.
Việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự đã giảm tải công việc cho chấp hành viên.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn, trong thời gian thí điểm, văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của TPL chưa đầy đủ và hoàn thiện; quy định pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thống nhất với chế định pháp luật về TPL, điều này sẽ gây khó khăn cho TPL trong việc thực hiện công việc của mình.
Do vậy, để khẳng định vị trí, vai trò của TPL, tăng cường công tác hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của TPL cần phải hoàn thiện thể chế về TPL như : Xây dựng Luật về TPL hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến TPL. Mặt khác, Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tăng mức kinh phí tống đạt cho các Văn phòng TPL; chỉ đạo Kho bạc nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán kinh phí tống đạt văn bản cho Văn phòng TPL.
Thực hiện việc xã hội hóa công tác Thi hành án dân sự theo lộ trình tự chủ một phần, tự chủ toàn bộ, tiến tới chuyển đổi dần lực lượng Thi hành án dân sự hiện nay sang làm TPL nhằm giảm tải về tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan nhà nước; giữ lại tổ chức, bộ máy và một phần lực lượng thi hành án dân sự cấp trung ương và tỉnh để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động TPL.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.