Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với già hóa và chăm sóc người cao tuổi giữa Nhật Bản và Việt Nam do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình phối hợp Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Á và ASEAN, Hiệp hội Y tế tiên tiến Nhật Bản tổ chức ngày 29-8, tại Hà Nội.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi tại Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số (8,16 triệu người cao tuổi).
Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi đó, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2% tổng dân số.
Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Thời gian để nước ta chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già rất ngắn, khoảng 25 năm.
“Già hóa dân số đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng…, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”, Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.
Hiện, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,6 tuổi, phụ nữ Việt Nam có tuổi thọ cao hơn nam giới. Điều đáng nói, trung bình người cao tuổi ở Việt Nam mắc 3-4 bệnh, thường là bệnh không lây nhiễm (cơ xương khớp, sa sút trí tuệ, giảm thính lực, tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ...). Trong khi đó, dịch vụ y tế đáp ứng điều trị và chăm sóc dài hạn của Việt Nam rất khiêm tốn. Cả nước chưa có bệnh viện chăm sóc người cao tuổi dài hạn.
Riêng với Hà Nội, theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội, Thủ đô có khoảng 250.000 người từ 75 tuổi trở lên, cần nhiều sự trợ giúp xã hội, y tế, chăm sóc nhất. Ước tính, Hà Nội cần ít nhất 10 bệnh viện, khoa lão, trung tâm y tế chăm sóc lão khoa chuyên biệt để phục vụ người cao tuổi.
Giống với Việt Nam, Nhật Bản là một quốc gia có dân số siêu già hiện nay. Nhóm dân số cao tuổi từ 65 tuổi trở lên của quốc gia này năm 2022 là 36,2 triệu người, chiếm 29% tổng dân số. Quốc gia này có rất nhiều kinh nhiệm trong việc xây dựng một xã hội dân số già như việc tái cấu trúc hệ thống y tế, chăm sóc lão khoa, xây dựng và quản trị cơ sở chăm sóc người cao tuổi, xây dựng các chế độ chính sách an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng... Những kinh nghiệm từ thực tế Nhật Bản chính là những bài học quý báu cho Việt Nam trong việc chủ động thích ứng với già hóa dân số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.