Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi: Thị trường tiềm năng

Khánh Linh| 17/04/2023 14:07

(HNNN) - Yêu thương và chăm sóc người thân đã cao tuổi là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại kéo theo tỷ lệ sinh ít cùng với sự thay đổi kết cấu mô hình gia đình, từ mô hình truyền thống (3 thế hệ trở lên) sang mô hình gia đình hạt nhân (chỉ có 2 thế hệ) đã khiến số người thân chăm sóc cho người cao tuổi giảm dần. Đây là nguyên nhân dẫn tới sự hình thành và phát triển các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi hiện nay. Với những ưu điểm như đa dạng, tiện lợi, thân thiện..., dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đang được đánh giá là thị trường rất tiềm năng.

Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đang được nhiều người dân lựa chọn.

Đón đầu thời cơ

Theo dự báo mới đây của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam tính đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 20% tổng dân số. Và với tốc độ già hóa như hiện nay, Việt Nam sẽ nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Thực tế này đã và đang đặt ra những thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và hệ thống y tế hiện tại bởi lực lượng điều dưỡng, bác sĩ chuyên về lão khoa ở các cơ sở y tế công lập lẫn tư nhân đều đang còn thiếu. Đặc biệt, cả nước chỉ có một bệnh viện đầu ngành về chăm sóc cho người cao tuổi, đó là Bệnh viện Lão khoa trung ương...

Hiện tại, việc chăm sóc người cao tuổi chủ yếu dựa vào người nhà. Tuy nhiên, lực lượng này cũng đang không đủ so với nhu cầu do số sinh thấp (mỗi nhà trung bình có 1 - 2 con) và đa phần bận rộn với lịch làm việc, học tập dày đặc. Các giải pháp tạm thời, như thuê người giúp việc, cũng gặp không ít bất tiện và rắc rối do người giúp việc thiếu kiến thức, kỹ năng chuyên môn và sự hiểu biết về tâm lý... Chính vì thế, sự ra đời của các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi với hình thức chăm sóc đa dạng, như các trung tâm dưỡng lão (chăm sóc 24/24 giờ), trung tâm chăm sóc người cao tuổi vào ban ngày (chăm sóc người cao tuổi vào giờ hành chính) hay các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà... đang được các chuyên gia đánh giá là đúng thời điểm.

Anh Nguyễn Văn Thuần, nhân viên Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Orihome, một trung tâm hiện có cả 3 loại hình chăm sóc (24/24, ban ngày, tại nhà) cho biết: So sánh các loại hình chăm sóc người cao tuổi hiện nay, dễ thấy mỗi loại hình đều có ưu nhược điểm khác nhau nên các gia đình cần cân nhắc kỹ để lựa chọn cho mình một loại hình phù hợp. Cụ thể, loại hình chăm sóc nội trú 24/24 sẽ phù hợp với người cao tuổi mất khả năng vận động và không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Người cao tuổi sẽ được chăm sóc đầy đủ và an toàn, được quản lý và theo dõi diễn biến sức khỏe liên tục và thường xuyên bởi nhân sự có chuyên môn. Sau một thời gian, người cao tuổi sẽ thích nghi với lịch sinh hoạt điều độ, có môi trường sống phù hợp bởi họ được sinh hoạt cùng với những người cùng độ tuổi nên dễ bề tâm sự, giảm bớt sự cô đơn... Khi chọn hình thức này, người cao tuổi sẽ phải sống xa người thân nên rất dễ có cảm giác tủi thân, nhớ nhà nếu không được người thân thăm hỏi hoặc đón về chơi thường xuyên. Với dịch vụ chăm sóc người cao tuổi vào ban ngày, ưu điểm là vào ban ngày người cao tuổi sẽ có bạn để vui chơi, sinh hoạt, đến tối vẫn trở về với người thân. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này chỉ phù hợp với người cao tuổi vẫn còn khả năng vận động tốt và mức suy giảm trí nhớ vẫn còn thấp, đặc biệt là người cao tuổi có nhà ở gần địa chỉ điều dưỡng. Còn với loại hình dịch vụ chăm sóc tại nhà, người cao tuổi sẽ luôn được ở bên cạnh người thân mà vẫn được chăm sóc, theo dõi về y tế, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; tuy nhiên, giờ giấc sinh hoạt của người cao tuổi dễ mất cân bằng và không được kiểm soát nghiêm ngặt về chế độ ăn uống để đảm bảo phù hợp với bệnh lý; với người cao tuổi có thể trạng liệt hoặc cần thủ thuật chăm sóc, nếu không được chăm đúng cách thì có thể phát sinh thêm bệnh tật...

Sử dụng dịch vụ này từ 2 năm nay, chị Lê Thu Trà (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Mẹ tôi bị tai biến nên việc ăn uống, vệ sinh cá nhân khá khó khăn. Biết đến dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà từ 2 năm qua, tôi đánh giá đây là dịch vụ rất phù hợp với đời sống hiện đại, khi con cái phải đi làm, đi học và không có ai theo sát để chăm sóc ông bà. Đặc biệt, do các nhân viên được đào tạo nên việc chăm sóc người bệnh được thực hiện rất chuyên nghiệp, các hoạt động chăm sóc như hỗ trợ vệ sinh thân thể, cho ăn và uống thuốc khá đều đặn, đúng giờ, phương án hỗ trợ người bệnh xoay trở, thay đổi tư thế, massage giảm đau mỏi... được xây dựng khá chi tiết và rõ ràng nên chúng tôi đi làm cũng yên tâm”.

Cần có chính sách hỗ trợ

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam đánh giá: “Tại Việt Nam, có khá nhiều người cao tuổi sống đơn thân hoặc sống một mình trong giờ hành chính, không có con cái nên nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là rất lớn. Hiện có rất nhiều hình thức chăm sóc người cao tuổi khác nhau, nhưng cho dù là hình thức nào thì theo tôi, các dịch vụ này rất phù hợp với cuộc sống hiện đại bởi người cao tuổi rất cần được sống trong môi trường cộng đồng, duy trì các mối quan hệ xã hội, được giao lưu, được chăm sóc, hoạt động thường xuyên để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Là một thị trường đầy hứa hẹn, tuy nhiên, thị trường chăm sóc người cao tuổi cũng đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể, khi tuổi càng cao thì sự phụ thuộc về tài chính của người cao tuổi đối với con cái và người thân ngày càng lớn. Do đó, thách thức đối với những nhà cung cấp dịch vụ này là phải phát triển được các dịch vụ đủ thuyết phục được cả người cao tuổi lẫn con cháu của họ. Thêm vào đó, có những mô hình hiện đang thiếu tính sáng tạo, chưa đủ sức hấp dẫn, đặc biệt loại hình chăm sóc 24/24 giờ hiện đang phát triển theo mô hình những trung tâm dưỡng lão. Đây thực sự là một rào cản lớn, nhất là khi Việt Nam còn nặng về cách nghĩ “trẻ cậy cha, già cậy con”, việc con cái đưa cha mẹ vào các trung tâm dưỡng lão dễ bị đánh giá là bất hiếu, không chăm lo cha mẹ chu đáo.

Chính vì thế, theo anh Nguyễn Văn Thuần (Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Orihome), để các dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi phát triển, khuyến khích nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân tham gia dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của người dân, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa như hỗ trợ về mặt bằng, phát triển nhân lực, hỗ trợ về quy chuẩn cho từng mô hình an dưỡng cụ thể, có danh mục nghề cho người chăm sóc để họ được công nhận và được đào tạo... Nếu để các doanh nghiệp “tự bơi” như hiện nay, sẽ không có nhiều nhà đầu tư hào hứng tham gia lĩnh vực này bởi chăm sóc người già mất nhiều công sức, thời gian và chi phí, vì vậy, giá dịch vụ sẽ luôn ở mức cao hoặc rất cao, khiến ít người cao tuổi nhận được sự chăm sóc đầy đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi: Thị trường tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.