(HNM) - Nhiều chủ trang trại nuôi trồng thủy sản ở ngoại thành Hà Nội đang tái tê lòng bởi cá chuẩn bị thu hoạch để bán trong dịp Tết đang chết rét nổi kín mặt đầm, không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, dịch bệnh gia tăng…
Cá chết hàng loạt ở các ao nuôi thuộc xã Thanh Liệt.
Dưới cái rét 10 độ C ở Hà Nội, ngày 20-1, chúng tôi có mặt tại khu nuôi trồng thủy sản (NTTS) hơn 70ha ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, toàn bộ 15 trang trại (TT) NTTS ở đây đều có cá chết. Anh Nguyễn Văn Rèn, một chủ TT NTTS buồn bã cho biết, với diện tích hơn 9ha, vụ này anh đưa vào nuôi thả trên 5 nghìn con cá giống các loại. Dù đã có kinh nghiệm NTTS 5-6 năm nay nhưng anh vẫn không sao cứu được cá. Cá chết hàng loạt, khiến hàng trăm triệu đồng mua cá giống và thức ăn đã theo nước "lặn mất tăm". Đến thời điểm này, hai loại cá chịu rét kém là rô phi và cá chim trong ao nhà anh Rèn đã gần như bị chết rét hoàn toàn. Anh Rèn than thở, cá lớn chết rét vẫn còn vớt vát được giá 7-8 nghìn đồng/kg, còn cá bé chết chỉ bán được 1,5 nghìn đồng/kg làm phân bón cho cây hoa, cây cảnh. Cá chết không vớt lên thì ao thối, mà đi thuê người kéo cá chết lên bờ với tiền công 300 nghìn đồng/ngày không ai chịu làm vì rét quá. Chỉ trong 4 ngày qua, số cá chết ở TT của anh khoảng 5-6 tấn.
Tại khu vực Đầm Vậy, thôn Bơ, xã Thanh Liệt, anh Nguyễn Xuân Việt, một trong những người đi tiên phong trong phong trào NTTS của xã, khuôn mặt tím tái vì rét, vừa cùng mọi người thu gom những con cá chết dưới ao vừa buồn bã tâm sự, năm nay người nuôi cá "mất" Tết. Ở đây hầu như nhà nào cá cũng chết. Nếu nhiệt độ vẫn ở vào khoảng 10 độ C như thế này, chỉ trong vòng 2 ngày nữa là toàn bộ cá ở khu chuyển đổi này chết hết. Với diện tích hơn 10ha NTTS, mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ cá, mỗi vụ được 30 tấn nhưng năm nay mới đánh bắt được 2 vụ, còn vụ cuối đang chuẩn bị thu hoạch để bán trong và sau dịp Tết Nguyên đán, nhưng trời rét đậm kéo dài khiến lượng cá chết của TT tới 8-9 tấn. Coi như năm nay, người NTTS ở xã Thanh Liệt mất vụ cá Tết. Mặc dù đã đưa bèo vào ao che chắn để tránh gió lùa, nhưng do thời tiết rét quá, mà ở đây chủ yếu nuôi cá rô phi và cá chim trắng, chịu rét kém, do đó vẫn không tránh được thiệt hại. Hiện nay, 100% cá chim trắng và rô phi loại nhỏ từ 2 đến 3 lạng đã bị "xóa sổ".
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội, Nguyễn Viết Để cho biết, các loài cá mè, trôi, trắm, rô phi, cá chim chỉ thích ứng tốt với điều kiện nhiệt đới, nhiệt độ từ 25 đến 30 độ C. Ở nhiệt độ 10 - 20 độ C, cá chỉ tồn tại được trong thời gian ngắn, nếu kéo dài trong ao nước nông, không kín gió, cá sẽ bị chết nhanh hơn. Theo khảo sát của Chi cục, một số khu NTTS ở các huyện ngoại thành như Thanh Trì, Mê Linh... rét đậm, rét hại kéo dài đã làm cho một số loại thủy sản chịu rét kém chết. Nếu các hộ không kịp vớt xác cá và thu gom, xử lý sẽ là nguyên nhân lây lan mầm bệnh nấm thủy mi sang các loại thủy sản khác, đồng thời khi xác cá phân hủy trong nước sẽ tạo khí độc gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Mặc dù trước đây Chi cục đã khuyến cáo người chăn nuôi phải có chế độ chăm sóc thật đặc biệt mới tránh được thiệt hại. Ngoài việc theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, người nuôi đã cho cá ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng, thức ăn công nghiệp chất lượng cao hoặc bổ sung vitamin C vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho các loài cá chống dịch bệnh cũng như tăng khả năng chịu rét, nhưng do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nên các loài thủy sản này vẫn chết hàng loạt. Ngoài ra, do ao nuôi ở các khu chuyển đổi ở Hà Nội đều chuyển từ đồng ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang NTTS, nên ao thường nông nên các loại thủy sản không chịu được giá rét. Người nông dân cần quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ao nuôi để tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản khi thời tiết không thuận lợi. Hiện Chi cục đang điều tra mức độ thiệt hại ở các huyện, báo cáo với TP để có phương án hỗ trợ cho người nuôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.