Hiện nay, bệnh sởi đang có diễn biến phức tạp trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh cũng đang có chiều hướng tăng.
Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước ghi nhận 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi rải rác tại các tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và miền Nam, không có trường hợp nào tử vong.
Tiêm vắcxin là cách phòng bệnh sởi tốt nhất cho trẻ hiện nay. (Ảnh: T.G/Vietnam+) |
Đặc biệt, tại Hà Nội từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh nhân mắc sởi đang gia tăng cao, xuất hiện ở 20 quận huyện.
Tăng 14 lần so với 2018
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm tới nay, thành phố đã ghi nhận 114 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng rất nhiều so với cùng kỳ của năm ngoái (cùng kỳ của năm 2018 có 8 trường hợp mắc bệnh).
Ngoài ra, có 91 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 59 trường hợp mắc tay chân miệng, 21 trường hợp mắc ho gà… Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có trường hợp tử vong.
Ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội trong những ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019 ổn định, không ghi nhận ổ dịch lớn và các dịch bệnh nguy hiểm. Hà Nội cũng không có trường hợp nào mắc bệnh nguy hiểm xâm nhập như MERS – CoV, virus Ebola, cúm A/H5N6, A/H7N9, bệnh do virus Zika…
Theo các chuyên gia, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh đường hô hấp và tiêu hóa phát triển, đặc biệt trong dịp lễ hội đầu năm. Vì vậy, người dân không nên chủ quan phòng bệnh.
Ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin phòng bệnh.
Gia tăng bệnh sởi trên thế giới
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2018, dịch sởi đã xảy ra tại một số nước khu vực châu Âu. Đặc biệt, việc ghi nhận sự lây truyền bệnh sởi xảy ra liên tục ở cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Đức và Nga). Điều này dấy lên mối lo ngại dịch bệnh sởi có thể quay trở lại thành dịch lưu hành ở những nước này.
Ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước, đặc biệt tại Ukraine và Hoa Kỳ.
Tại Ukraine, số trường hợp mắc bệnh sởi tiếp tục tăng cao với 8.498 trường hợp, đây là số mắc lớn nhất ghi nhận trong tháng 1 của những năm gần đây, trong khi cả năm 2018 nước này ghi nhận 54.481 trường hợp mắc.
Tại Hoa Kỳ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay trong đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi tại nhiều thành phố như: Atlanta, New Jersey, NewYork, Oregon, Rockland County, Rochester, Vancouver.
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, Chính quyền bang Washington đã công bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động các nguồn lực và nỗ lực của người dân trong việc khống chế dịch sởi.
Trẻ nhỏ khi đến 9 tháng tuổi cần được đi tiêm phòng vắcxin phòng bệnh sởi. (Ảnh: T.G/Vietnam+) |
Theo các nhà khoa học, việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vắcxin phòng sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước và sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vắcxin sởi thông thường.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng thì cho thấy, tại Việt Nam, ở một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị (có số trẻ biến động lớn) có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... Do đó, các địa phương này có nguy cơ ghi nhận trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.
Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung: 1. Đưa trẻ em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắcxin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắcxin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắcxin phòng sởi. 2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. 3. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.