(HNM) - Năm 2006, Hà Nội chỉ có 242 doanh nghiệp lữ hành được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế thì đến năm 2010 đã lên tới 460 doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy, toàn thành phố có khoảng 51.118 lao động tham gia các hoạt động kinh doanh du lịch, tập trung ở các lĩnh vực: lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí và các dịch vụ phục vụ du khách khác. Đây là con số quá nhỏ so với sự phát triển của ngành du lịch Thủ đô. Đơn cử như đội ngũ hướng dẫn viên được cấp thẻ hiện có 1.859 người, mới chỉ đáp ứng được 10% so với nhu cầu. Hiện số lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lên chỉ chiếm 22%, còn lại là trung cấp 28%, sơ cấp 11%...
Hướng dẫn viên giới thiệu với khách quốc tế về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Bảo Lâm |
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, phần lớn đội ngũ hướng dẫn viên của thành phố tốt nghiệp từ các chuyên ngành ngoại ngữ, sau đó trải qua khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ du lịch để được cấp thẻ hướng dẫn viên. Do đó, khả năng hướng dẫn cũng như hiểu biết về các điểm tham quan của hướng dẫn viên rất hạn chế. Người được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch thì lại quá yếu về khả năng sử dụng ngoại ngữ. Điều này cũng xảy ra tương tự với các vị trí quản lý và lễ tân trong khách sạn. Đội ngũ cán bộ quản lý trong các khách sạn chỉ có 30% đáp ứng nhu cầu công việc ở mức cao, còn lại 20% ở mức khá, 50% ở mức trung bình.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do thời gian qua việc đào tạo ngành, nghề du lịch và liên quan đến du lịch chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Một số trường học, cơ sở đào tạo dù đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị nhưng vẫn thiếu, không đồng bộ, nhất là ở các cơ sở mới tham gia đào tạo du lịch. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo về du lịch hạn chế về số lượng, chất lượng. Đặc biệt, thiếu giáo viên trình độ cao. Số giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ không nhiều. Phương pháp đào tạo nặng về lý thuyết, độc thoại. Lực lượng giáo viên cơ hữu mỏng và rất khác nhau giữa các trường.
Ước tính đến năm 2020 ngành du lịch của thành phố cần có 10.000-15.000 hướng dẫn viên du lịch; 2.500 nhân viên nghiên cứu và khai thác thị trường du lịch; 3.000 nhân viên điều hành, 2.000 nhân viên xây dựng chương trình, sản phẩm... Với nguồn nhân lực thiếu và yếu, thua xa nhiều nước trong khu vực và khả năng đào tạo như hiện nay thì đây là thách thức lớn của ngành du lịch trong "cuộc chiến" cạnh tranh thị phần. Nếu không xây dựng được sản phẩm du lịch và dịch vụ có chất lượng thì sẽ là sự lãng phí rất lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.