Trong bối cảnh mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới tăng cao, tác động trực tiếp tới giá cả và sức mua trong nước, việc giữ ổn định thị trường nội địa có ý nghĩa rất quan trọng. Trước dự báo về những khó khăn trong thời gian tới, UBND thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả nhằm hỗ trợ thị trường trong nước, góp phần cho tăng trưởng của nền kinh tế. Một trong số đó có thể kể tới Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố được triển khai hằng năm.
Với mục tiêu góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô về các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa bão, những ngày lễ, tháng cuối năm 2022, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và các thời điểm dịch bệnh bất thường xảy ra; khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày 11-7-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành hành Kế hoạch số 193/KH-UBND thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2022.
Theo đó, các đơn vị tham gia chương trình bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay từ các tổ chức tín dụng thực hiện bình ổn thị trường các nhóm hàng hóa thiết yếu gồm: Lương thực (gạo, mì, phở khô...), thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, dầu ăn, đường, gia vị, rau củ, thủy hải sản tươi, đông lạnh, thực phẩm chế biến, sữa trẻ em dưới 6 tuổi và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán (bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát) với giá trị hàng hóa tạm tính khoảng 4.600 tỷ đồng.
Chương trình được triển khai đến không chỉ các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà còn được triển khai rộng rãi tới các đơn vị sản xuất kinh doanh lớn tại các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm tăng cường, mở rộng thêm nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh, thành phố cho thành phố Hà Nội. Năm 2022, đã có 32 đơn vị được phê duyệt tham gia chương trình, trong đó có 16 đơn vị thuộc các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia chương trình.
Các đơn vị đã không ngừng phát triển hệ thống phân phối nhằm đưa hàng hóa thiết yếu đến với người dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại các huyện xa trung tâm, qua đó, các đơn vị đã cung ứng tới hơn 12.000 điểm bán trên toàn thành phố, gồm 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 1.269 sạp hàng tại các chợ truyền thống và 517 bếp ăn tập thể.
Nhằm hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, Sở Công Thương đã tổng hợp nhu cầu vay vốn của 9 đơn vị tham gia chương trình với tổng số vốn là 889 tỷ đồng, gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội và các tổ chức tín dụng để kết nối vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia chương trình năm 2022 còn có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 (lĩnh vực đầu tư, cho vay theo quyết định số 1358/QĐ-UBND ngày 22-4-2022 của UBND thành phố Hà Nội), lãi suất 5,96%/năm, không thay đổi trong suốt thời gian vay. Thời hạn cho vay tối đa 15 năm (theo văn bản số 492/QĐTPT-NV3 ngày 17-6-2022 của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố). Đồng thời, ngày 15-8, Sở Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hà Nội và Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị kết nối Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư phát triển thành phố, tại Hội nghị, đã kết nối trực tiếp hơn 100 doanh nghiệp với 20 tổ chức tín dụng về các chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi và trực tiếp giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục trong quá trình vay vốn của các doanh nghiệp.
Quá trình triển khai Chương trình Bình ổn thị trường qua các năm đã góp phần ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt trong các thời điểm thị trường có biến động về hàng hóa và các dịp Lễ, Tết, đặc biệt là thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp như dịch Covid-19 trong 2 năm 2020, 2021.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh và phát huy chương trình ngày càng hiệu quả hơn, thành phố Hà Nội sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp như tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại các huyện ngoại thành, đẩy mạnh phát triển hệ thống chuỗi, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn…, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng của nhân dân, cũng như các quy định về an toàn thực phẩm, văn minh thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho bãi, logistics khoa học, phục vụ tốt nhu cầu dự trữ hàng hóa, đảm bảo công tác bảo quản hàng hóa theo quy định, lưu thông hàng hóa thông suốt, hạ giá thành sản phẩm… ; đẩy mạnh phát triển bán hàng online, hotline…
Tiếp tục tăng cường công tác liên kết vùng giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước để đẩy mạnh khai thác hàng hóa, chủ động nguồn cung phục vụ nhu cầu nhân dân. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản và tăng cường xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, đặc biệt xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, HACCP, GMP, sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao...; tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản theo hướng chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, HACCP, ISO…) nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng sản phẩm. Tăng cường hơn nữa công tác kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư để được tiếp cận vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.