Xã hội

Hà Nội bảo đảm các điều kiện phục vụ người dân vui Xuân, đón Tết

Tiến Thành - Ảnh: Viết Thành 27/12/2023 - 12:24

Sáng 27-12, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý IV-2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.

hn1.jpg
Lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà.

Tham dự còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo UBND thành phố và đại diện các quận, huyện, thị ủy; các sở, ban, ngành và đoàn thể chính trị - xã hội thành phố.

Nội dung hội nghị giao ban tập trung vào công tác chuẩn bị tổ chức chăm lo Tết, nhất là công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và công tác tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

bachlienhuong.jpg
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương báo cáo tại hội nghị.

Dự kiến dành hơn 552 tỷ đồng tặng quà Tết

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thành phố dự kiến dành 1,078 triệu suất quà tặng các đối tượng, tổ chức, cá nhân tiêu biểu với tổng kinh phí khoảng hơn 552 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và các nguồn huy động khác.

Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ 7.000 phiếu mua hàng tặng đoàn viên, người lao động khó khăn, mỗi phiếu giá trị 500 nghìn đồng trong Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024”; tổng số tiền dự kiến 3,5 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ vé xe đưa công nhân lao động khu công nghiệp về quê đón Tết và đón quay trở lại làm việc sau Tết là 1,9 tỷ đồng. Hỗ trợ, thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán hơn 21,7 tỷ đồng. Dự kiến hỗ trợ 35 “Mái ấm Công đoàn” cho 35 gia đình đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở…

Theo báo cáo nhanh tình hình kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đối với công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng cao nhất là 20 triệu đồng/người; công ty cổ phần có vốn góp chi phối của nhà nước, mức thưởng cao nhất là 29,8 triệu đồng/người; đối với doanh nghiệp dân doanh, thưởng cao nhất 90 triệu đồng/người; với doanh nghiệp FDI cao nhất 205 triệu đồng. Mức thưởng thấp nhất ở các khối doanh nghiệp là 500 nghìn đồng/người.

hn3.jpg
Đại diện các sở, ngành phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Đối với bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công an thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, vô hiệu hoá hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng… Chủ động phương án điều tiết, phân luồng, chống ùn tắc giao thông không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên các tuyến đường trọng điểm ra vào Thủ đô, các tuyến kết nối với bến xe, nhà ga, sân bay, khu vực trạm thu phí BOT, nơi diễn ra lễ hội... thời điểm trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết; bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ người dân đi lại, vui chơi đón Xuân và quay trở lại thành phố.

Tại hội nghị, dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, đại diện lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành đã thảo luận, qua đó cho thấy các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã có sự chuẩn bị tốt nhất việc bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

transythanh.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận hội nghị.

Tạo khí thế mới cho năm 2024

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu, với kết quả đạt được năm 2023, cần tổ chức Tết vui tươi để nhân dân phấn khởi, chào đón năm mới, tạo khí thế mới để triển khai nhiệm vụ năm 2024 tốt hơn.

Cần đẩy mạnh truyền thông để mọi người dân có quyền tự hào, thấy được sự đóng góp của mình trong thành quả chung của thành phố, từ đó cùng tạo sự đồng thuận, không khí mới, hào hứng, phấn khởi, tin tưởng hơn vào sự nghiệp đổi mới và công cuộc xây dựng, phát triển của Thủ đô

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh

Đồng chí Trần Sỹ Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TƯ ngày 23-11-2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024. Trong đó thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tập trung thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đặc biệt hơn nữa là trong năm 2024 - năm kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.

“Thành ủy - HĐND - UBND thành phố đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội..., do vậy đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố bên cạnh ngân sách thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, xây dựng kế hoạch cụ thể việc thăm hỏi, tặng quà tới các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn nhân dịp Tết Giáp Thìn”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nói.

hn2.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Tổ chức thực hiện kế hoạch trang trí đường phố, cổ động trực quan, quản lý lễ hội; thực hiện việc trang trí hệ thống đèn chiếu sáng tại các trụ sở cơ quan Trung ương và thành phố, nhà cao tầng trên địa bàn; xem xét, lựa chọn, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật bảo đảm phù hợp với truyền thống, văn hóa của Thủ đô... góp phần thúc đẩy quảng bá, giới thiệu hình ảnh, con người Thủ đô Hà Nội tới các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị triển khai ngay kế hoạch cấp điện, cấp nước; chiếu sáng, trang trí đường phố, vườn hoa, cây cảnh, các công trình điểm nhấn; vệ sinh môi trường, bảo đảm đường phố phong quang, môi trường của thành phố trước, trong và sau Tết “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Tổ chức rà soát, đánh giá đúng diễn biến thực tế thị trường, dự báo mức tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết để chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, dự trữ, điều phối hàng hóa, giá cả, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân trong dịp Tết.

Về công tác tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết, Chủ tịch UBND thành phố giao Công an thành phố phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ, tạo môi trường an ninh, an toàn và bình yên để người dân Thủ đô vui xuân, đón Tết. Chủ động triển khai kế hoạch phân luồng, tổ chức giao thông, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là ở các khu vực cửa ngõ Thủ đô trước và sau Tết...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan:

Tăng 10% mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết so với năm 2023

Đến nay đã có 47 đơn vị đăng ký tham gia bình ổn thị trường với nhóm mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng bảo đảm giá cả hợp lý, đúng quy định của Nhà nước để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết. Sở Công Thương, Sở Tài chính sẽ thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát, rà soát, kiểm soát giá phục vụ người dân trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng tổ chức 83 chợ hoa Xuân. Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá 40.900 tỷ đồng, có 12 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết, gắn với chương trình bình ổn giá trị thường trên địa bàn, tăng khoảng 10% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã dự trữ hàng hoá trước 3 tháng Tết, đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; đảm bảo đủ nguồn hàng đa dạng phong phú, chủ yếu khai thác thị trường nội địa phục vụ người dân trong dịp Tết, hàng nhập khẩu chỉ chiếm 7%-10%. Sở Công Thương đã giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn với gần 18 nghìn điểm bán hàng Tết, dự trữ hàng hoá có đơn vị đã cao hơn 3 lần kế hoạch giao.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Duy Phong:

Tạm dừng thi công vỉa hè, đào đường từ 16-1-2024

Dịp Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) tổ chức chốt trực ở 66 vị trí; phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã chốt trực tại 44 vị trí… tập trung bố trí lực lượng chống ùn tắc giao thông tại các bến xe, ga tàu, bảo đảm cho người dân đi lại thuận lợi.

Sở Giao thông Vận tải cũng giao Thanh tra giao thông phối hợp với Công an thành phố kiểm tra các vị trí trông giữ phương tiện trên địa bàn; tập trung xử lý hiện tượng dừng đỗ phương tiện gây cản trở giao thông; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại vỉa hè, lòng đường thường xuyên xảy ra lấn chiếm buôn bán, kinh doanh.

Sở cũng tập trung kiểm tra, xử lý các nhà thầu công trình giao thông để xảy ra tình trạng vật liệu xây dựng cản trở an toàn giao thông. Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu từ ngày 16-1-2024 các nhà thầu thi công công trình giao thông phải tạm dừng toàn bộ hoạt động thi công tại vỉa hè, đào đường để bảo đảm người dân đi lại thuận lợi.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Anh Quân:

Bảo đảm tiếp nhận, xử lý rác thải liên tục, không gián đoạn

Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã cần chủ động phương án, kế hoạch bảo đảm vệ sinh môi trường theo đúng phân cấp quản lý, tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo công tác thu gom chất thải rắn, chất thải sinh hoạt, phế thải xây dựng trong các khu dân cư, đường phố; thực hiện tổng vệ sinh làm sạch khu phố, thôn xóm, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các điểm tập kết, điểm trung chuyển chất thải; rà soát, lắp đặt bổ sung các thùng rác, nhà vệ sinh lưu động tại các địa điểm tổ chức chương trình, sự kiện tập trung đông người trong dịp Tết và lễ hội Xuân.

Các đơn vị vệ sinh môi trường được yêu cầu tăng cường thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, bố trí đầy đủ phương tiện vận chuyển chất thải; tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về vệ sinh môi trường…

Sở đã yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng phương án, kế hoạch vận hành đối với Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tiếp nhận rác thải liên tục, không gián đoạn trong suốt dịp Tết.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long:

Bảo đảm cảnh quan, môi trường, an ninh, trật tự khu vực trọng điểm

Dịp Tết Giáp Thìn, địa bàn quận có 2 trận địa pháo hoa tầm cao. Đến nay công tác xã hội hóa việc bắn pháo hoa cơ bản đã hoàn thành.

Với tính chất là địa bàn trọng điểm, vị trí trung tâm Thủ đô, việc bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn dịp Tết là công tác được quận quan tâm thực hiện. Trong đó quận Hoàn Kiếm đã đồng loạt ra quân bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các Lễ hội Xuân năm 2024.

Bên cạnh đó Công an quận đang triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn, bình yên.

Đồng thời quận đã phối hợp với các sở, ngành triển khai các nhiệm vụ cải tạo mặt đường tại một số tuyến phố; duy tu, cải tạo hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cấp điện trên địa bàn nhằm phục vụ Tết. Đối với công tác trang trí, cảnh quan môi trường, quận đã nhận bàn giao từ Sở Xây dựng một số vườn hoa, không gian công cộng nhằm trang trí tiểu cảnh, bóng đèn chiếu sáng trên các khu vực này, tạo không khí vui tươi phục vụ Tết Nguyên đán.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội bảo đảm các điều kiện phục vụ người dân vui Xuân, đón Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.