UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025). Trong đó, xác định một số chỉ tiêu cơ bản, bao gồm vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn thành phố đạt 21 tỷ 870 triệu đồng.
Cùng với đó là một số chỉ tiêu như: Tặng 1.102 Sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” (mức sổ tiết kiệm thấp nhất 3 triệu đồng); tu sửa, nâng cấp 28 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 149 hộ gia đình người có công. Đặc biệt, phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống cơ bản ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
Hà Nội cũng đặt chỉ tiêu 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo có cuộc sống tốt nhất, cụ thể như: Nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, nâng cấp tiện nghi sinh hoạt. Đối với các Bà mẹ khi ốm đau hoặc qua đời, các cấp chính quyền, đoàn thể phải hết sức quan tâm chu đáo.
Đồng thời, tiếp tục vận động các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nhận phụng dưỡng các bà mẹ liệt sĩ mới được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, với mức phụng dưỡng phấn đấu từ 2 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Đáng chú ý, thực hiện các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, Hà Nội sẽ tổ chức thăm, gặp mặt và tặng quà người có công; các đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trong và ngoài thành phố, đơn vị sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh. Cùng với đó, triển khai công tác thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ thành phố và ngoại tỉnh; tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trong thành phố nhân ngày 27-7.
Tổng kinh phí tặng quà người có công dịp kỷ niệm 27-7 năm nay dự kiến là 190 tỷ 242 triệu đồng chẵn. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo từ nguồn ngân sách cấp thành phố, cấp huyện theo phân cấp và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Ngoài kinh phí từ nguồn ngân sách nêu trên, thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã; thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ vào các nguồn quyên tặng, nguồn được phép huy động khác quyết định các mức tặng quà đối với người có công nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Tất cả các hoạt động này nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, sự cống hiến, hi sinh của anh hùng liệt sĩ và những người có công với đất nước. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là quan tâm, chăm lo đến thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Việc tổ chức các hoạt động thiết thực dịp này cũng nhằm thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, hướng đến mục tiêu quan tâm tốt hơn đến đời sống, vật chất tinh thần người có công, đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Cùng với đó là đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” góp phần động viên, chăm lo đời sống các gia đình người có công.
Đáng chú ý, UBND thành phố giao Sở Nội vụ chủ động tổ chức Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đi dâng hương tại các Nghĩa trang liệt sĩ thành phố, một số địa danh di tích lịch sử cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia có nhiều phần mộ liệt sĩ Hà Nội tại Quảng Trị, Hà Giang, Tây Ninh, Điện Biên, Nghệ An, Côn Đảo, Phú Quốc... Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát các công trình ghi công liệt sĩ (nghĩa trang liệt sĩ, bia đài tưởng niệm liệt sĩ) trên địa bàn thành phố xuống cấp, đề xuất thành phố nâng cấp, sửa chữa đảm bảo khang trang, sạch đẹp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm những vi phạm trong việc thực hiện chính sách người có công…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.