Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ thường xuyên và phải có giải pháp trọng tâm, đột phá, cấp bách để tổ chức thực hiện.
Ngày 17-12, UBND thành phố Hà Nội có kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo kế hoạch, thành phố sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương từ cấp thành phố đến cấp cơ sở trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời làm tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư và của các công trình vi phạm.
Xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, như: Dự án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; kiện toàn, thành lập bổ sung các đội, phân đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quy hoạch bổ sung địa điểm làm việc, doanh trại cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường quân số, biên chế; đầu tư trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thành phố tạp trung đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy gồm: Hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy, chữa cháy; hệ thống cung cấp nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy; hệ thống thông tin liên lạc.
Thành phố cũng kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ gồm: Lực lượng dân phòng; lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở; lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; lực lượng dân quân thường trực; các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Kế hoạch cũng nêu rõ, việc triển khai thực hiện Đề án trên tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Việc triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, góp phần nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô, giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Quá trình triển khai phải thực hiện một cách bài bản, đúng quy định, thực chất, hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, chồng chéo, lãng phí, đặc biệt là tránh hình thức; bảo đảm mục tiêu phát triển, an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phù hợp với yêu cầu thực tế, đặc thù, đặc điểm tại địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.