Theo thống kê mới đây của Bộ Công an, trong 9 tháng của năm 2024, cả nước xảy ra 2.839 vụ cháy, làm 77 người chết, 58 người bị thương, thiệt hại hơn 148 tỷ đồng và 529ha rừng; xảy ra 5 vụ nổ, làm 4 người chết và 13 người bị thương.
Còn tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 594 vụ cháy làm 20 người chết, 9 người bị thương, ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng, trong đó có 4 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. So cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng hơn 76%, tăng 15 người chết; số vụ cháy nhà, công trình, cơ sở chiếm gần 75% tổng số vụ cháy.
Những con số thống kê trên cho thấy, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Các vụ cháy lớn thường xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chung cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân được chỉ ra là do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm trên 73%; còn lại là các nguyên nhân khác.
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị thành phố cũng như cả nước đã quyết liệt vào cuộc nâng cao nhận thức, hành động trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Nhiều mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng” được nhân rộng với phương châm “bốn tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng “phó mặc” công tác phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; sự thờ ơ của một bộ phận người dân, cũng như còn thiếu sự kiểm tra, giám sát kịp thời của chính quyền địa phương. Điều đó khiến “cuộc chiến với giặc lửa” không đạt kết quả như mong muốn.
Trước yêu cầu cấp thiết đó, “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy 4-10” năm nay được Bộ Công an cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai đồng bộ, quyết liệt nhằm phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong thực hiện nghiêm các quy định phòng cháy, chữa cháy ngay từ cơ sở.
Trong Công văn số 3203/UBND-NC (ngày 27-9-2024), UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến từng nhà, từng cơ sở, từng khu dân cư, từng khu phố. Đặc biệt là huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác này, qua đó góp phần kiềm chế, giảm thiểu số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra trên địa bàn.
Để “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy 4-10” thực sự hiệu quả, các đơn vị cũng như mỗi người dân cần nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong phòng cháy, chữa cháy. Tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sâu rộng, gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương.
Trong đó, cần xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản tại các khu dân cư nhằm thu hút người dân cùng tham gia phòng chống cháy, nổ, hạn chế tối đa các vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo tuyên truyền và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Đi đôi với đó là thường xuyên kiểm tra công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các khu rừng, cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, lấy việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị hằng năm…
Như vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy mới thực sự hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do các vụ hỏa hoạn gây ra trên địa bàn thành phố cũng như cả nước thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.