Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạ hay không hạ tiêu chí?

Đức Hải| 31/12/2011 19:51

(HNMO)- Tại hội nghị triển khai kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2012 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, nhiều địa phương đã có ý kiến về một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM chưa phù hợp, quá cao, khó thực hiện và đề nghị sửa, “hạ”, thậm chí bỏ bớt một số tiêu chí.

Do đó, Bộ NN&PTNT đang xem xét đề xuất của các địa phương, dự kiến sẽ sửa đổi 7 tiêu chí. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi phải xét đến tầm nhìn dài hạn, tránh tình trạng bây giờ thấy khó quá thì điều chỉnh xuống để lấy thành tích, tới một thời gian nữa lại điều chỉnh lên.

Địa phương “kêu” khó
Hiện nay, bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM gồm 19 tiêu chí, được chia nhỏ ra 39 chỉ tiêu, trong đó có 3 chỉ tiêu về quy hoạch, 16 chỉ tiêu về hạ tầng, 20 chỉ tiêu mềm là: văn hóa, an ninh trật tự, y tế, sản xuất… Quá trình triển khai ở các địa phương, một số tiêu chí đã bộc lộ những bất cập, đặc biệt là các tiêu chí về: Chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo…

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, tiêu chí số 10 về thu nhập của người dân quy định, ở xã NTM, thu nhập phải đạt mức cao hơn 1,4 lần thu nhập bình quân của cả tỉnh/thành là chưa phù hợp, vì các xã khác cũng phải xây dựng NTM, do vậy nên quy định có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm gấp 1,5 lần so với trước khi xây dựng NTM là phù hợp. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 26/NQ-TW, đến năm 2020, mức thu nhập của cư dân nông thôn phải đạt 2- 2,5 lần so với hiện nay (năm 2008, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 450 USD, tương đương với 9 triệu đồng). Do đó, nếu gấp 2- 2,5 lần sẽ tương ứng 20- 25 triệu đồng. Đây là mức bình quân chung, đối với các xã NTM đòi hỏi người dân phải có mức sống khá giả thì phải có mức thu nhập bình quân 30-35 triệu đồng (tăng bình quân 1,4 lần so với mức bình quân chung). Tiêu chí này là quá cao, rất khó thực hiện.

Xây  dựng cơ sở hạ tầng là điều kiện tiên quyết thúc đẩy kinh tế, xã hội các làng quê phát triển


Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang lại cho rằng, trong tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động, áp với tỉnh Tuyên Quang hiện cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là trên 80%. Đa số các xã này kinh tế nông, lâm nghiệp vẫn là chủ đạo; một số xã không có khả năng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng như du lịch. Mặt khác, ở những xã có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá như cây chè mang lại thu nhập cao hơn các ngành khác thì không nhất thiết phải chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp. Vì vậy, Tuyên Quang đề nghị BCĐ Chương trình xem xét bỏ tiêu chí này.

Nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL cùng chung nhận định, tiêu chí số 3 về thuỷ lợi đối với ĐBSCL là khó thực hiện. Theo bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, để đạt tiêu chí NTM, các xã phải cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá đạt 65% là rất khó thực hiện và cũng không cần thiết bởi khu vực này diện tích đất nông nghiệp rất lớn, kênh mương dày đặc, nếu cứng hóa sẽ cần rất nhiều kinh phí. An Giang hiện có 23.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2011, tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi thông qua các nguồn vốn tỉnh An Giang huy động là 342,43 tỷ đồng để thi công nạo vét kênh thủy lợi, nâng cấp hệ thống cống, đê bao kiểm soát lũ; xây dựng mới một số trạm bơm điện... nhưng số tiền này vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho biết tiêu chí chợ nông thôn, nhà ở nông thôn, nhà văn hóa nông thôn cũng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Cần tầm nhìn xa
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, những tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia được xây dựng đều nhằm mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bộ tiêu chí cũng đã phân biệt đối với 7 vùng địa lý. Tuy nhiên, ông Khoa cũng thừa nhận một số tiêu chí không được sát thực tế bởi đây là lần đầu tiên ban hành nên những hạn chế là không thể tránh khỏi. Hiện Bộ NN&PTNT đang cân nhắc sửa đổi 7 tiêu chí. Đối với tiêu chí thu nhập, Bộ đề xuất sửa đổi theo 2 phương án: Bình quân thu nhập/người/năm gấp 6-7 lần mức chuẩn nghèo (hiện tại tương đương 30-35 triệu đồng/người/năm hoặc bình quân thu nhập đạt 30 triệu đồng/người/năm và phải đảm bảo mức tăng trưởng 10%/năm trong 3 năm liên tục trước đó).

Tiêu chí tỷ lệ lao động, Bộ NN&PTNT đề xuất sửa đổi theo 2 phương án: Thay nội dung tiêu chí này bằng tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 80%; hoặc xác định tỷ lệ cơ cấu lao động phù hợp cho từng vùng sinh thái…

Tại hội nghị triển khai kế họach xây dựng NTM năm 2012 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Chương trình xây dựng NTM phải đặt trong dài hạn và quy hoạch tầm nhìn xa với các tiêu chí xây dựng NTM. Phó Thủ tướng cho biết, thay đổi các tiêu chí phải xem xét cho phù hợp chứ không phải cứ thấy tiêu chí cao quá là lại đề nghị điều chỉnh, nếu như vậy thì chỉ 1 đến 2 năm đã làm xong chương trình. Điều quan trọng là nhận thức của cả hệ thống chính trị phải đồng bộ, triển khai quyết liệt nhưng không thể nóng vội được, vì đây là chương trình lâu dài, chứ không chỉ đầu tư hạ tầng nông thôn là xong được.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân


Phó Thủ tướng cũng lưu ý quá trình triển khai phải huy động một cách tổng lực, trong đó nguồn lực của Nhà nước là rất quan trọng, tạo thành một cú hích, nhưng cũng phải huy động doanh nghiệp, người dân vào cuộc. “Tôi rất lo cách huy động người dân ở một số địa phương gần đây theo kiểu “bổ” đầu người. Cách huy động này, tuy nói là vận động, nhưng thực chất là bắt buộc, nên người dân kêu rất nhiều, Chính phủ không muốn làm như vậy”- Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạ hay không hạ tiêu chí?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.