(HNMCT) - Tôi biết Đức Anh mới được vài năm. Đức Anh sinh năm 1993 tại Nga, hiện sống và làm việc ở Việt Nam, đã trình làng 2 cuốn tiểu thuyết thuộc dòng trinh thám là Tường lửa (2019) và Thiên thần mù sương (2019). Sắp tới, anh sẽ ra mắt tiểu thuyết trinh thám thứ 3 mang tên Đảo bạo bệnh. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm trình làng 3 tiểu thuyết, đó là chuyện không đơn giản.
Văn học trinh thám hướng đến nhu cầu giải trí của con người, với những tình tiết ly kỳ, bí ẩn, những vụ án, âm mưu sâu xa, trò chơi phức tạp thách thức trí thông minh, khả năng nắm bắt tình huống hay tạo lập logic sự kiện, giải mã các thông điệp ngầm... Sau quãng đầu thế kỷ XX khá sôi động với các tác giả như Phạm Cao Củng, Thế Lữ, văn học trinh thám Việt Nam trở nên trầm lắng; tới đầu thế kỷ XXI mới dần trở lại với những cái tên như Nguyễn Xuân Thủy, Di Li, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Hải Nhật Huy, Nguyễn Dương Quỳnh... Đó cũng là lúc cơ hội mở ra cho những người như Đức Anh.
“Chào sân” bằng tiểu thuyết Tường lửa và ngay sau đó là Thiên thần mù sương, Đức Anh cho thấy sự theo đuổi của mình đối với thể loại trinh thám.
Ở Tường lửa, người đọc bị cuốn vào hành trình tìm kiếm bản thân của nhân vật chính vốn bị chứng tâm thần phân liệt, không biết mình là ai, đâu là thực đâu là hư, từ đó trải qua các sự kiện, biến cố liên quan đến nhiều vấn đề của xã hội đương đại (đồng tính, bạo lực học đường, tệ nạn xã hội...). Từ hành trình của nhân vật, bằng các kỹ thuật xóa dấu vết hay đánh lạc hướng, bao phủ thế giới nhân vật, sự kiện trong mê cung tâm lý khó phân định, hư thực lẫn lộn, Đức Anh cho thấy mình có những dụng công nhất định trong việc tạo lập một tiểu thuyết trinh thám đúng nghĩa (dù có thể tác phẩm chưa thực sự làm hài lòng những người đòi hỏi tinh ròng về đặc trưng thể loại).
Đến Thiên thần mù sương, Đức Anh tạo thêm cho câu chuyện những diễn biến có tính chất kỳ ảo, khoa học viễn tưởng nhằm tăng thêm sức hấp dẫn cũng như nới rộng biên độ thời gian, tạo môi trường cho tình tiết, sự kiện, nhân vật cùng mối quan tâm về hệ lụy của thời đại công nghệ.
Theo dõi dư luận về hai tiểu thuyết nói trên, có thể nhận ra những ưu ái của cộng đồng với sự trình làng tác phẩm liên tiếp của Đức Anh. Đa số đánh giá tác phẩm khá, tạo được ấn tượng và sự cuốn hút dù có đôi chỗ chưa thực sự thuyết phục về mặt văn phong hay tiết điệu, logic câu chuyện (nhất là ở phần đầu). Lý giải cho những phản hồi này, Đức Anh cho rằng đó là thủ pháp Book-end, khi về cuối tác phẩm mọi thứ được xâu chuỗi hợp lý. Với sự quan tâm của bạn đọc, sự đánh giá dao động ở mức 6,5 - 8 trên thang điểm 10, có lẽ Đức Anh cảm nhận được thành quả lao động miệt mài của mình.
Năm 2020, Đức Anh sẽ cho ra mắt tiểu thuyết thứ 3 - Đảo bạo bệnh. Tôi đã được đọc bản thảo cuốn sách này. Phải chăng chúng ta sẽ có thêm một sự ngạc nhiên nữa, về sức viết của một nhà văn trẻ? Lựa chọn lối đi hẹp, đẩy mình vào vùng trống để kiếm tìm sự sống, với những diễn biến khác, có khi là nguy hiểm, nhưng với văn chương nghệ thuật, đó lại là một cơ hội. Với 3 tiểu thuyết, cơ hội ấy đang có trong tay Đức Anh, hy vọng rằng anh sẽ từng bước ý thức một cách chuyên nghiệp về đường đi của mình trong hành trình trở lại của truyện trinh thám Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.