Văn hóa

Góp ý xây dựng tiêu chuẩn danh hiệu văn hóa: Để danh xứng với thực

Hoàng Lân 14/09/2024 - 06:32

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, tổ dân phố đóng góp vào Dự thảo tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn Hà Nội.

Qua các ý kiến đóng góp cho thấy, còn không ít bất cập trong xây dựng tiêu chuẩn, cần sửa đổi phù hợp để danh hiệu có tính thực tế, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới.

mo-hinh-to-dan-pho-van-hoa-kieu-mau-tai-to-dan-pho-23-phuong-trung-liet-quan-dong-da-..jpg
Mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu” tại tổ dân phố 23, phường Trung Liệt (quận Đống Đa).

Tiêu chí cần phù hợp với đặc thù địa phương

Liên quan đến khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", và "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu", ngày 7-12-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2023/NĐ-CP quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", và "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu". Nghị định này thay thế cho Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018.

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết, từ năm 2018, công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa được thực hiện theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP. Thực tiễn kết quả triển khai của thành phố Hà Nội cho thấy, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Từ năm 2018 tới nay, tỷ lệ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” tại Hà Nội đạt từ 85% đến 88%, Tuy vậy, sau nhiều năm thực hiện, việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa vẫn còn bộc lộ những bất cập, có nơi, có lúc còn mang tính hình thức.

Để khắc phục những bất cập, Nghị định số 86/2023/NĐ-CP được ban hành nhằm bảo đảm việc bình xét các danh hiệu văn hóa đi vào thực chất. Chính phủ giao UBND cấp tỉnh rà soát và xây dựng tiêu chí để tổ chức thực hiện với mục tiêu bảo đảm các tiêu chí phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”. Dự thảo đưa ra nhiều chỉ tiêu đánh giá cùng với các điểm cộng và trừ. Ví dụ, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” bao gồm 3 nội dung: Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng; tích cực tham gia các phong trào thi đua; tích cực tham gia phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập... Tiêu chí xét danh hiệu “Thôn văn hóa” gồm 5 nội dung gồm: Đời sống kinh tế ổn định và phát triển; đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú; môi trường cảnh quan an toàn, thân thiện... Dự thảo đang được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lấy ý kiến rộng rãi.

Điều chỉnh tiêu chí bám sát thực tế

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Nghị định mới cơ bản là những định hướng để các địa phương căn cứ thực hiện. Tuy nhiên, khi các địa phương xây dựng bộ tiêu chí cụ thể cần phù hợp với đặc thù địa phương, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Góp ý cho dự thảo các tiểu chuẩn xét tặng danh hiệu văn hóa của Hà Nội, Tổ trưởng tổ dân phố số 9, phường Liễu Giai (quận Ba Đình) Nguyễn Thị Ngọc Lan khẳng định, một số tiêu chí trong dự thảo tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” nên điều chỉnh để phù hợp thực tế. Điển hình, tiêu chí “Tích cực thực hiện chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình nên sinh từ 1 đến 2 con, khoảng cách từ 3 đến 5 năm, tuổi có con từ 33 đến 35” là không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Bởi vì, thực tế có nhiều gia đình trẻ lập gia đình muộn và có con muộn.

Còn bà Nguyễn Thị Lựu, công chức văn hóa xã hội xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) cho rằng, yêu cầu “có nhà văn hóa thôn được thành lập theo quy định” theo dự thảo về tiêu chuẩn xét danh hiệu “Thôn văn hóa” là chưa phù hợp. Trên thực tế, có nhiều thôn do điều kiện về quy hoạch, thiếu quỹ đất nên chưa thể xây dựng nhà văn hóa.

Hiện nay, vẫn còn khá nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, người dân cho dự thảo tiêu chuẩn xét tặng các danh hiệu văn hóa với mong muốn các tiêu chí bám sát thực tế, phù hợp với đời sống hiện đại. Trong đó, PGS.TS Phạm Duy Đức lưu ý đến việc cần chú trọng các nội dung về "Gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh" trong tiêu chí xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa". Còn Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đề xuất, cần thiết xây dựng thêm phần giải thích chi tiết đi kèm với từng tiêu chí, nhằm tăng tính rõ ràng và dễ áp dụng trong thực tế.

Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ chỉnh sửa, bổ sung và tham mưu cho UBND thành phố ban hành bộ tiêu chí xét tặng các danh hiệu văn hóa. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, mục tiêu cuối cùng là tạo được một bộ tiêu chí mang tính đột phá, sát với thực tiễn, phù hợp và đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước trong giai đoạn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý xây dựng tiêu chuẩn danh hiệu văn hóa: Để danh xứng với thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.