Giao thông

Góp ý về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Quan trọng vẫn là ngăn ngừa tai nạn

Nhóm phóng viên 27/11/2023 - 08:54

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường tại kỳ họp thứ sáu, cũng như thu hút sự quan tâm của dư luận ở điều khoản cấm hoàn toàn rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

Nhiều ý kiến khác nhau đã được đưa ra, có ý kiến đề xuất quy định mức độ cồn ở giới hạn nhất định để người uống rượu, bia nhưng còn tỉnh táo vẫn có thể điều khiển phương tiện. Tuy nhiên cũng có ý kiến nhấn mạnh, đã uống rượu, bia thì không lái xe...

to-cong-tac-cua-doi-canh-sa.jpg
Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông trên đoạn cầu Trắng (quận Hà Đông).

Còn nhiều quan điểm trái chiều

Khoản 1 Điều 8 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nội dung này được cho là phù hợp với các quy định hiện hành như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn. Và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt người điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn dù chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Theo các quy định hiện hành, đã uống rượu, bia thì không lái xe. Nếu có uống thì khi bị kiểm tra chắc chắn sẽ bị xử phạt bởi mức vi phạm thấp nhất là có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở.

Là người đang bị tạm giữ phương tiện vì lỗi vi phạm nồng độ cồn, anh Đinh Văn Thái (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) cho biết: "Tôi chỉ uống lon bia để giải khát sau ca làm việc, mặc dù trong hơi thở chưa đến 0,25 miligam/1 lít khí thở nhưng tôi vẫn bị lập biên bản, thu giữ xe máy. Tôi cho rằng quy định không có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là quá khắt khe. Trước đây, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ chỉ xử phạt đối với người điều khiển xe máy mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Mức giới hạn này cho phép người điều khiển xe máy có sử dụng một ít rượu, bia nhưng không bị phạt. Đây cũng cho là phù hợp với thói quen của nhiều người dân".

Tuy nhiên, ngược lại, nhiều người lại cho rằng, quy định cấm triệt để sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là cần thiết nhằm ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc do người điều khiển phương tiện mà trong người có “ma men”. Chị Minh Thảo (quận Cầu Giấy) cho biết, quy định cấm nồng độ cồn khi tham gia giao thông mục đích cuối cùng là bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm tính mạng cho người dân. Đã là luật định thì cần nghiêm minh, không du di sẽ khó kiểm soát, dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình kiểm tra, xử lý.

Tính mạng và sức khỏe người dân là cao nhất

Trung tá Đào Việt Long - Phó Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội (Công an thành phố Hà Nội) đánh giá, hiệu quả của việc xử lý nồng độ cồn đã có tác dụng khi có những ca trực, tổ công tác kiểm tra đến vài trăm trường hợp nhưng không phát hiện trường hợp nào vi phạm. Hiện tại, ngoài cắm chốt, tuần tra, các tổ công tác trong quá trình làm nhiệm vụ tiến hành kiểm tra xác suất, ngẫu nhiên, khi phát hiện trường hợp vi phạm, sẽ vừa xử lý, vừa tiếp tục tuyên truyền trực tiếp tới người điều khiển phương tiện về tác hại của rượu, bia góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng tránh các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra…

Đại úy Nguyễn Tống Tùng, cán bộ tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, dù nhiều chiến dịch ra quân kiểm tra, xử phạt vi phạm nồng độ cồn gắt gao nhưng người dân vẫn có những cách hiểu nhầm lẫn hoặc biện minh cho hành vi của mình. Điển hình nhất là trường hợp vi phạm của ông N.T.V (sinh năm 1961 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội). Vào trưa 23-11, tổ công tác phát hiện ông N.T.V điều khiển xe máy biển kiểm soát 29F-1621.xx có nồng độ rượu rất cao. Kết quả dùng máy đo định lượng, ông N.T.V vi phạm 0,638 miligam/1 lít khí thở (gấp 1,5 lần mức vi phạm kịch khung). Ngay sau đó, ông N.T.V phân trần, đã uống bia ở một hội chợ ở Hà Đông, đang trên đường chở bạn về nhà ở quận Thanh Xuân. Vì ông N.T.V có bằng lái xe quốc tế nên bạn ông là chủ chiếc xe máy biển kiểm soát 29F-1621.xx đã để ông lái xe vì nghĩ rằng sẽ được “ưu tiên”...

Trung tá Đào Việt Long cho biết, thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm của Bộ Công an dịp Tết Giáp Thìn 2024 (bắt đầu từ ngày 5-12-2023), trong đó có tập trung mạnh việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn, đơn vị đã chủ động yêu cầu các đơn vị, tuần tra khép kín các khung giờ, tập trung xử lý tất cả những trường hợp nghi vấn tham gia giao thông.

Điều này cũng được luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh phân tích, dưới góc độ pháp lý vi phạm nồng độ cồn là vi phạm pháp luật đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật nên không thể “đẻ” ra thêm các quy định khác như tính định lượng xác định để kéo theo hàng loạt những hệ lụy khác như sửa đổi văn bản, hướng dẫn làm theo văn bản mới…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp ý về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Quan trọng vẫn là ngăn ngừa tai nạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.