(HNM) - Quý I-2021, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Hà Nội tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng đạt 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Các con số tăng trưởng cũng như các nhận định của các doanh nhân (qua khảo sát) đều rất khả quan, như: Sản xuất, kinh doanh giữ ổn định và có xu hướng tốt hơn; số lượng đơn đặt hàng đã nhận, đơn hàng mới bao gồm cả xuất khẩu tiếp tục tăng… Kết quả này đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô, mà trọng tâm là lĩnh vực xuất khẩu cũng như bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Xét trên bình diện chung, đạt được kết quả trên là do các cấp, ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp của Thủ đô đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc triển khai quyết liệt, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch đã mang đến những cơ hội rất lớn để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; tìm kiếm đối tác, đơn hàng mới; đồng thời nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế…
Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương triển khai rất kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như: Giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại nợ ngân hàng, kích cầu thị trường trong nước, đẩy mạnh đầu tư công, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính… Qua đó, tạo những điều kiện hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp về môi trường đầu tư, nguồn vốn… để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” trên toàn cầu tiếp tục đặt ra cho sản xuất công nghiệp của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung - nòng cốt của nền kinh tế - những khó khăn, thách thức chưa từng có. Đây cũng là thực tế đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, nhất là cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục nhận diện và nắm chắc tình hình để có giải pháp thích ứng phù hợp, hiệu quả. Điều quan trọng là không chủ quan, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất…
Cùng với tăng cường phòng, chống dịch, các cấp, ngành chức năng, địa phương cần tiếp tục tạo thêm nhiều dư địa cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, như: Tăng cường tiếp xúc, trao đổi để nắm bắt tình hình; chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải về mặt bằng sản xuất (đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của 43 cụm công nghiệp), nguồn vốn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… Cùng với đó, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, đặt lợi ích của doanh nghiệp lên hàng đầu.
Ở góc độ doanh nghiệp, cần nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, coi trọng chất lượng sản phẩm hàng hóa và giữ chữ tín với khách hàng. Muốn vậy, phải nâng cao năng lực quản trị, quản lý doanh nghiệp; huy động tốt các nguồn lực về con người, nguồn vốn và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, để mở rộng sản xuất, khơi thông thị trường, cộng đồng doanh nghiệp phải tận dụng thật tốt các cơ hội đến từ nền kinh tế đang có độ mở rất lớn do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thực thi rất hiệu quả và đồng bộ hiện nay.
Bằng nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện một cách trách nhiệm, đồng bộ, hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương, sản xuất công nghiệp sẽ còn tăng trưởng, góp sức chung để phát triển kinh tế Thủ đô cũng như kinh tế đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.